Những căn nhà phao không tốn quá nhiều tiền nhưng đã giúp người dân miền Trung, nhất là những nơi bị ngập sâu tới cả chục mét trong trận lũ lịch sử vừa qua đảm bảo an toàn, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Hiệu quả từ mô hình này đã rõ, vấn đề còn lại là sự chung tay của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm bởi không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện được mong muốn của mình.
Nước lên 10 mét cũng không sợ nữa
Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, là một trong những địa phương bị ngập sâu trong trận lũ lịch sử vừa qua. Lũ từ ngày 16/10 đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2010, với mực nước nơi sâu nhất lên đến gần 10m - ngập toàn bộ các nhà cấp 4.
Sau 7 năm hoạt động, dự án Nhà chống lũ đã xây dựng 795 căn nhà an toàn cho bà con, ngoài ra còn 2 ngôi làng hạnh phúc với 120 ngôi nhà, nâng tổng số công trình đã thực hiện lên tới hơn 900.
Chị Giang cho biết, trước mắt Nhà chống lũ cần khoảng 400 - 500 bộ neo cho 400 hộ dân ở Quảng Bình. Đây là những căn nhà phao chống lũ, do thiếu bộ neo nên nhà bị trôi.
Quỹ đang vận động cộng đồng tặng bộ neo với giá 10 triệu đồng/bộ. Sau đợt lũ, Nhà chống lũ sẽ thí điểm tiếp xây nhà chống lũ ở Huế và Quảng Trị khoảng 100 - 200 căn nhà.
Đây cũng là địa phương bị cô lập lâu nhất tỉnh Quảng Bình, mãi tới ngày 23/10 nước mới rút. Lũ cũng làm mất điện, mất sóng điện thoại khiến người dân trong xã gần như mất liên lạc hoàn toàn với bên ngoài. Tuy nhiên, nhờ những nhà phao chống lũ, toàn xã đảm bảo an toàn về người.
Bà Cao Thị Thanh Bài (78 tuổi trú, thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) chia sẻ: “Sau đợt lũ năm 2010, nhà tôi được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng và gia đình tự bỏ thêm kinh phí làm nhà chống lũ.
Sau đó, tiếp tục được hỗ trợ thêm để hoàn thiện với tổng số tiền là 30 triệu đồng. Từ đó tới nay nhà vẫn sử dụng tốt. Đặc biệt, đợt lũ vừa rồi ở Tân Hóa nước lên đến 6 - 10m nhưng nhà cứ thế nổi theo nước nên người và tài sản đều an toàn.
Nhà này chắc chắn lắm, dân không sợ mưa lũ nữa. Lúc không có lũ thì sử dụng làm kho đựng lúa, kho chứa đồ, chăn nuôi... rất hữu ích. Ngoài nhà này, chúng tôi còn làm thêm các nhà nhỏ hơn phía sau để nuôi lợn, gà”.
Được biết toàn xã Tân Hóa hiện có 706 hộ dân, trong đó có 682 hộ ở nơi trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt. Từ sau trận lũ lịch sử năm 2010, chính quyền và người dân bắt đầu xây dựng các nhà chống lũ. Đến nay, toàn xã có 526 nhà phao chống lũ, trong đó, nguồn từ dự án và các nhà tài trợ là 276 cái, dân tự làm 250 cái.
Theo ghi nhận của PV, nhà phao chống lũ có diện tích từ 20 - 50m2/căn, tùy theo nhu cầu sử dụng và điều kiện kinh tế của hộ gia đình. Nhà được làm bằng khung thép, mái tôn, sàn lát bằng gỗ, được làm nổi bằng các phao, thùng phuy cỡ lớn.
Quanh nhà có các cột neo định vị bằng thép cao từ 4 - 6m để không bị trôi, xô dịch khi nước dâng. Dưới chân nhà có các trụ đỡ để ngày bình thường, không tạo áp lực lên các phao, thùng phuy.
Tổng kinh phí làm 1 căn nhà phao hết khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, yêu cầu để làm được nhà phao trước hết là phải có diện tích trống để dựng nhà, làm các cột định vị. Nhà được làm bằng tôn nên sẽ rất nóng khi trời nắng.
Bà Cao Thị Phương (67 tuổi) cho biết: “Sau khi thấy nhà chống lũ của dự án phát huy hiệu quả. Chúng tôi cũng tự bỏ kinh phí ra để làm. Ngoài việc thay đổi về diện tích cho phù hợp với số người và vật dụng trong gia đình, chúng tôi còn cải tiến làm 4 trụ xung quanh góc nhà và hành lang để tránh sóng dập dềnh, rất an toàn trong những ngày mưa lũ”.
Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, đặc thù của Tân Hóa là vùng lòng chảo bao quanh bởi các núi đá vôi, nên gần như năm nào cũng phải trải qua các đợt lũ. Từ khi có nhà chống lũ, người dân cảm thấy yên tâm hơn.
“Nếu không có nhà phao này, thì trận lũ vừa rồi không biết thiệt hại sẽ khủng khiếp như thế nào. Nước dâng cao vượt cả các cột định vị, nhưng người dân chỉ cần chằng buộc lại một chút là được.
Cả tuần lũ lớn, không có nhà phao nào bị xô dịch, cuốn trôi. Toàn bộ người dân trong xã đều an toàn”, ông Duẩn nói và bày tỏ mong muốn được các cấp, ngành chức năng, các nhà hảo tâm tiếp tục đầu tư giúp xây dựng nốt cho 65 hộ chưa có nhà phao. Đồng thời, nhân rộng mô hình này ra các vùng thường xuyên bị ngập để giảm thiểu thiệt hại cho dân.
Cần nhân rộng để dân có nơi trú ẩn
Trong số những căn nhà chống lũ ở Tân Hóa kể trên, có không ít căn được thực hiện bởi dự án “Nhà chống lũ” và cũng là tên một dự án phát triển cộng đồng, chung tay cùng người dân xây nhà của Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững do chị Phạm Thị Hương Giang (biệt hiệu Jang Kều), người được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất năm 2019, sáng lập.
“Những ngày qua, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với những người dân tại các tỉnh ở miền Trung, đang ở nhà mô hình “Nhà chống lũ” để nắm tình hình. Và thật hạnh phúc, người, tài sản trong căn nhà chống lũ đến nay vẫn an toàn. “Nhà chống lũ” đã phát huy tác dụng”, chị Giang nói.
Chị Giang cho biết, ý tưởng để làm ra ngôi nhà chống lũ được le lói sau những lần chị đi từ thiện từ cả chục năm trước. Vào năm 2009, khi làm thiện nguyện ở Quảng Nam, cũng sau cơn bão lớn, hình ảnh một cụ gà chống cuốc đứng thất thần, vô cảm với tất cả mọi điều mất mát xung quanh trở thành nỗi ám ảnh với chị mãi mãi về sau.
Và tới tận năm 2013 ý tưởng mới được chị và các cộng sự triển khai thành hiện thực. Đến nay, Nhà chống lũ đã hỗ trợ xây 795 công trình, dự kiến hết năm nay xây đựng dược khoảng 900 nhà. 795 công trình là mô hình thiết kế khác nhau theo nhu cầu của người dân, phù hợp với địa hình và các loại thiên tai khác nhau từ lũ quét, lũ bùn, lũ ống…
KTS. Đinh Bá Vinh - người phụ trách mô hình thiết kế Nhà chống lũ ngay từ ngày đầu thành lập Quỹ Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng Sống bền vững cho hay, mặc dù mức lũ tại Quảng Bình năm nay vượt mức lũ lịch sử năm 1999 gần 1m.
Thế nhưng những công trình nhà chống lũ tại Liên Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Tân Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) tổng cộng 99 căn vẫn an toàn. Đây là 99 căn được xây dựng bằng mô hình nhà phao biệt lập, giúp người dân chủ động ứng phó với bão lũ.
“Ngoài nhà phao biệt lập chúng tôi còn có 8 mô hình nhà an toàn khác như: Nhà kê nền thấp, nhà kê nền cao, nhà kê nền linh hoạt, nhà hai gác, nhà phao… Các mô hình này đã làm thành cuốn cẩm nang để sẵn sàng trao tặng đến các cá nhân, tổ chức.
Thông qua tài liệu này chính quyền địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận, các chuyên gia, các cá nhân quan tâm có thể tham khảo, áp dụng và nhân rộng các mô hình nhà an toàn đến người dân”, anh Vinh nói.
Giúp người nghèo có nhà cách nào?
Chị Giang cho hay, điều đặc biệt là những ngôi nhà chống lũ này không phải do Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững trao tặng. Quỹ chỉ hỗ trợ 50% kinh phí, kỹ thuật, vật tư… còn lại 50% do chính chủ nhà phải đóng góp.
“Chúng tôi không phải là quỹ làm từ thiện mà là Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng Sống bền vững. Phương thức của Nhà chống lũ là chung tay và hơn thế nữa là chúng tôi muốn đi đường dài. Một điều tôi nhận ra sau nhiều năm là làm từ thiện (cho không) chưa hẳn hiệu quả.
Bởi xây một căn nhà là xây ước mơ, là mở cánh cửa khơi dậy niềm tin cho người dân để dựng lại cuộc đời mới. Khi tự làm ra tiền, tự xây nhà… người nghèo cũng có quyền tự hào về thành quả của mình. Làm sao phải tăng sức mạnh tinh thần để họ nỗ lực trong tương lai. Đó mới là điều quan trọng nhất”, chị Giang chia sẻ.
Chị Giang kể, một lần đi khảo sát danh sách những căn nhà để làm chống lũ ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, chị gặp một bà cụ gầy gò, ngồi lọt thỏm trong căn nhà mốc đen đúa vì lũ. Trong nhà không có bất kỳ vật dụng nào ngoài chiếc bàn cũ và chiếc quan tài màu đỏ rực.
Bà cụ kể, 3 năm trước chồng bà khi đang làm trang trại ở xa thì bị lũ cuốn trôi, may mà còn tìm thấy thi thể. Khi về nhà bà chỉ kịp nấu bát cơm tiễn biệt người chồng đang được quấn vào manh chiếu rách, bởi lúc đó vì chạy bão, nhà nhà bị chìm, bị cuốn, không mấy ai còn chú tâm đến nghi thức một đám tang như lúc bình thường.
Chính vì thế từ ngày đó, bà dành dụm tất cả vốn liếng có được và đã mua được 1 cái quan tài, chuẩn bị trước cho mình.
“Ở thành phố yên bình, hàng ngày chúng ta có rất nhiều nỗi lo của đời sống hiện đại, thậm chí là nỗi buồn, đau khổ về vật chất rất bình thường. Có khi chỉ đơn giản là chưa đổi được chiếc xe, hay chiếc điện thoại… Nhưng với bà cụ đó, ước mơ chỉ là đến lúc chết có quan tài mà chôn, nói gì đến ước mơ xây nhà mới!”, chị Giang xúc động chia sẻ.
Chị kể, khi đó hỏi cụ có bao nhiêu tiền, cụ nói chỉ có 10 nghìn đồng. Vậy làm sao để xây nhà chống lũ cho bà với giá 45 - 50 triệu? “Phương thức của Quỹ là 50/50 và chưa bao giờ thay đổi ngay cả với trường hợp đặc biệt. Bởi chúng tôi biết luôn có các trường hợp đặc biệt.
Nếu chỉ cần có một trường đặc biệt mà phá vỡ nguyên tắc thì rồi sẽ có những trường hợp đặc biệt khác. Tôi bước ra khỏi cửa, đứng giữa sân òa khóc rồi nói dứt khoát bằng mọi cách giữ đúng phương châm của quỹ nhưng vẫn phải xây nhà chống lũ cho bà cụ”, chị Giang nói.
“Vậy có 10 nghìn đồng làm sao xây?”, vị Phó chủ tịch xã đi cùng hỏi chị Giang. Chị đáp: “Gỗ của căn nhà này có bán được không?”.
Được, bán tầm 8 - 10 triệu đồng”. Sau đó, chị điện thoại cho 3 người con của bà cụ đang sống ở khắp vùng mỗi người gom hay đi vay vài triệu, cộng tiền bám gỗ của căn nhà cũ và với 10 nghìn đồng của bà cũng đủ hơn 20 triệu. Quỹ góp thêm 25 triệu đồng nữa, vậy là đủ tiền để xây dựng nhà chống lũ cho bà cụ.
Khác với trường hợp bà cụ ở Hương Sơn, nhà báo Lương Hùng (thành viên của Quỹ) một lần đi khảo sát và làm nhà chống lũ tại huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh, có gặp anh X., nghèo đến mức không có nổi 10 nghìn đồng. Anh Hùng rút ra 200 nghìn đồng tặng, để anh X. mua dụng cụ đóng gạch, ngói và dặn “khi nào đóng gạch, ngói xong thì cùng với Nhà chống lũ xây nhà”.
Gạch, ngói cũng được quy ra tiền, bản thân anh X. cũng là một nhân công, anh X. nhờ bà con chòm xóm qua làm cũng được tính nhân công và cộng lại đáp ứng đủ 50% đối ứng. Sau này anh X. lại qua đổi công làm cho gia đình khác. Từ hai bàn tay trắng, anh X. tự hào đã tự xây nhà cho mình. Có những người sau khi cùng xây nhà xong, đã tự tin mở thêm được cửa hàng bánh xèo ở cổng để làm ăn.
“Khi đi khảo sát từng vùng, có danh sách từng nhà, chúng tôi đặt chân mình vào “giày” của họ để mà nghĩ, mà làm. Có những nhà chưa thể làm chúng tôi giúp cải tạo chống lũ. Nói đơn giản là, Chương trình Nhà chống lũ thực chất chỉ là thay đổi nhận thức về cuộc sống để từ đó người dân dám mơ ước xây lên căn nhà của mình”, chị Giang chia sẻ.
Quảng Nam:
Huy động nguồn lực xây nhà chống lũ
Ở các vùng rốn lũ tại Quảng Nam như Đại Lộc, Duy Xuyên… người dân cũng đã đầu tư xây dựng nhà chống lũ và phục vụ rất hiệu quả trong việc tránh bão lũ. Ngoài ra, những căn nhà mới kiên cố, có gác lửng đã giúp nhiều gia đình khó khăn bảo vệ tính mạng, tài sản không còn thấp thỏm trong mùa mưa lũ.
Nằm trong vùng rốn lũ từ hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, thời gian qua, các địa phương huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn, Điện Bàn, Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tạo điều kiện cho người dân thụ hưởng chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình nhà tránh lũ, phòng tránh mưa bão một cách hiệu quả.
Ngoài nguồn hỗ trợ theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo vùng sâu, vùng xa ứng phó với thiên tai, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn ngân hàng và từ các nguồn lực được Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện/thị xã/thành phố huy động…
Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó chủ tịch thị xã Điện Bàn cho hay: Trong năm 2020, ở Điện Bàn, mô hình nhà chống lũ được người dân triển khai xây dựng mạnh.
Nhờ có nhà chống lũ, người dân vùng thấp lũ đã chủ động ứng phó với mưa lũ xảy ra bất thường, phòng tránh được những thiệt hại về người, tài sản. Địa phương đang tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân triển khai, nhân rộng xây dựng mô hình nhà chống lũ.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tính đến thời điểm này, ở tỉnh Quảng Nam có hơn 2.000 hộ dân được thụ hưởng từ các đề án xây dựng nhà, chòi tránh bão lũ.
Cụ thể, có 100 hộ ở huyện Đại Lộc và Điện Bàn thuộc đề án hỗ trợ thí điểm về chòi chống lũ theo Quyết định 716 của Thủ tướng Chính phủ; 1.617 hộ thực hiện theo đề án hỗ trợ nhà ở hộ nghèo phòng tránh lụt bão theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ; 634 hộ hưởng lợi từ đề án do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục chỉ đạo khởi công xây dựng nhà chống lũ cho 10 hộ thuộc đề án hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão lụt đến năm 2021, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực khác để triển khai.
Đại Khải
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận