Thu hẹp khoảng cách với Mỹ
Nhận định về tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 19/6 cho biết Bắc Kinh đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm thứ 6 hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu thuộc viện công nghệ và khoa học quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, động thái này cho thấy Bắc Kinh dường như muốn đầu tư vào phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa tương tự như hệ thống phòng thủ tầm trung trên mặt đất (GMD) của Mỹ hơn là tăng cường kho hạt nhân.
Theo ông Zhou, việc phát triển GMD là rất khó khăn, phức tạp và tốn kém để có thể đạt được đến ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và đến nay mới có Mỹ và Trung Quốc có khả năng làm được điều đó.
Ảnh minh họa việc Trung Quốc thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa. Ảnh - Weibo
Ông Zhou cho rằng Trung Quốc sẽ không tăng mạnh số đầu đạn hạt nhân chiến lược tới vài nghìn như một số nhà phân tích nước ngoài đã nhận định mà sẽ tập trung phát triển mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ cơ sở hạ tầng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Còn theo ông Zhao Tong, thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Bắc Kinh sẽ phát triển một lượng nhất định đầu đạn hạt nhân để tăng cường khả năng đáp trả nếu bị tấn công phủ đầu.
Trung Quốc từng khẳng định sẽ không là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo ông Zhao, việc phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn giữa phóng từ đất liền bao phủ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc sẽ rất phức tạp và tốn kém. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể chọn lắp đặt hệ thống này tại một số khu vực có nguy cơ chiến lược cao như khu vực biên giới giáp Ấn Độ, Triều Tiên và Eo biển Đài Loan.
Ông Zhao cho biết: “Việc Trung Quốc phát triển công nghệ GMD có cả ý nghĩa về mặt chính trị và chiến lược vì không chỉ nâng cao chiến lược răn đe hạt nhân mà còn tăng cường cả khả năng tấn công và phòng vệ trong chiến tranh thông thường”.
Theo ông Zhao, hai quốc gia giáp Trung Quốc là Ấn Độ và Triều Tiên đều là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ấn Độ có tranh chấp về biên giới với Trung Quốc và việc Triều Tiên tăng cường thử nghiệm tên lửa khiến Bắc Kinh quan ngại xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ông Zhao cho hay.
Cả Ấn Độ và Triều Tiên đều triển khai tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới 5.000km và có thể bắn tới toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.
Lời cảnh báo với Đài Loan
Mặt khác, ông Lu Li-shih, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan tại Cao Hùng, cho rằng dựa trên thời điểm Trung Quốc thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa, có thể thấy đây dường như là phản ứng trước cảnh báo của một quan chức Đài Loan.
Cụ thể, hôm 12/6, theo truyền thông Đài Loan, quan chức Đài Loan You Si-kun từng cảnh báo Bắc Kinh suy nghĩ cẩn trọng trước khi lên kế hoạch tấn công hòn đảo, đồng thời cho biết Đài Loan đã phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Yun Feng có khả năng tấn công Bắc Kinh.
Hệ thống đánh chặn di chuyển trong không phận từ khu tự trị Tân Cương tới một điểm gần Đài Loan để đảm bảo giới chức hòn đảo nhận thức rõ thông điệp trên.
Hiện nay, Trung Quốc coi Đài Loan là phần lãnh thổ chờ thống nhất, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc vào tháng 11/2021 đã đề cập tới chương trình phát triển hạt nhân của Trung Quốc và cho rằng Bắc Kinh có thể sở hữu tới 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và ít nhất 1.000 đầu đạn vào 2030.
Dựa trên hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng ít nhất 250 silo tên lửa mới tại tây bắc Trung Quốc vào cuối năm 2021, Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc có khoảng 200 đầu đạn hạt nhân và có thể tăng ít nhất gấp đôi trong thập kỷ tới.
So sánh với các nước khác, Mỹ hiện có hơn 3.700 vũ khí hạt nhân trong khi Nga ước tính có khoảng hơn 4.500 vũ khí với 3.500 vũ khí trong kho dự trữ.
Hồi tháng 1, các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp ra thông báo chung tái khẳng định cần tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận