Andy Murray |
Andy Murray đã đi vào lịch sử khi trở thành tay vợt Vương quốc Anh đầu tiên, đứng trên đỉnh quần vợt thế giới sau chiến thắng tại Paris Masters 2016. Thế nhưng, ít người biết rằng, Murray từng chán ghét nước Anh bởi bị đối xử như một đứa con ghẻ.
Từ con ghẻ thành người hùng dân tộc
Andy Murray vừa trải qua một tuần tuyệt vời nhất trong sự nghiệp khi giành chức vô địch Paris Masters, đồng thời đoạt luôn vị trí số 1 thế giới từ tay Novak Djokovic. Chiến công của Murray khiến cả Vương quốc Anh tự hào nhưng chắc hẳn sẽ nhiều người cảm thấy xấu hổ khi từng đón nhận đứa con của mình với ánh mắt thiếu thiện cảm.
Tuổi thơ của Murray cũng như bao đứa trẻ khác ở Scotland, nhưng mọi chuyện trở nên tồi tệ khi cha mẹ tay vợt này (ông Willie Murray và bà Judy Murray) ly thân từ năm anh lên 10. Hai anh em Murray đều sống với cha và có lẽ việc thiếu tình yêu của người mẹ khiến Murray trở nên cáu bẳn và sống thu mình. Năm 1999, Dunblane - ngôi trường anh em Murray theo học hứng chịu một vụ xả súng kinh hoàng khiến 16 học sinh và một giáo viên thiệt mạng. Hôm đó, Murray và anh trai may mắn thoát chết vì trốn xuống gầm bàn. Biến cố này càng khiến Murray trở nên tự ti, còn đôi mắt luôn cho thấy sự sợ hãi.
Năm 14 tuổi, theo lời khuyên của bà Judy, Murray tới Tây Ban Nha học tập và tập luyện quần vợt. Tại đây, Murray trưởng thành nhanh chóng và giành chức vô địch giải trẻ US Open năm 2004, khi mới tròn 17 tuổi. Hai năm sau, Murray vào top 20 thế giới và vào top 10 năm 2008. Cùng năm đó, Murray tiến tới trận chung kết US Open nhưng để thua Roger Federer. Thời gian tiếp theo, tay vợt người Scotland còn ba lần vào chung kết Grand Slam nhưng đều thất bại.
Cũng trong khoảng thời gian này, Murray không nhận được cái nhìn thoải mái từ công chúng Anh. Họ ghét Murray bởi vẻ mặt cau có của tay vợt này và nhiều thời điểm tâm lý chàng trai sinh ra ở Glasgow bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mãi tới năm 2012, khi Murray đánh bại Djokovic ở trận chung kết US Open để trở thành tay vợt Vương quốc Anh đầu tiên lên ngôi tại Mỹ sau 76 năm, anh mới giành được cảm tình từ người hâm mộ quê nhà. Tuy vậy, ngay cả khi đã coi Murray như người hùng dân tộc, Vương quốc Anh có lẽ cũng không dám mơ tới viễn cảnh tay vợt sinh năm 1987 có thể đứng trên đỉnh thế giới.
Thành công nhờ ý chí
Không nhiều người biết Andy Murray từng suýt theo nghiệp bóng đá khi được CLB Ranger mời tham gia đội trẻ năm 10 tuổi. Tuy nhiên, cuối cùng Murray lại chọn quần vợt. Anh cũng may mắn bởi được mẹ mình - từng là một VĐV quần vợt chuyên nghiệp uốn nắn từ những đường vợt đầu tiên. Bà Judy kể, ngay từ lúc hai tuổi, Murray đã thích cầm vợt, bà tin đó là định mệnh để cuộc đời con trai bà gắn với trái banh nỉ. Bà Judy bắt đầu huấn luyện Murray chơi quần vợt năm anh tròn 5 tuổi và trở thành nấc thang đầu tiên đưa Murray tới làng quần vợt chuyên nghiệp.
Mặc dù vậy, Murray không thể có được thành tựu rực rỡ như ngày hôm nay nếu thiếu ý chí. Bà ngoại của Andy Murray kể rằng, ngay từ nhỏ, Murray đã có tính hiếu thắng, cậu bé không chấp nhận thua cuộc trong bất kỳ trò chơi nào với bạn bè. “Murray không bao giờ nhượng bộ với đám bạn. Nó luôn muốn chiến thắng trong mọi trò chơi. Đó có thể là vấn đề nhưng bây giờ hãy nhìn vào thằng bé, nó nỗ lực không ngừng để vinh quang và tôi tự hào về cháu mình”, bà Shirley nói về cậu cháu trai.
Sự nghiệp của Murray chứng kiến quá nhiều thất bại và có thời điểm giới chuyên môn đánh giá anh không thể trở thành tay vợt hàng đầu thế giới. Anh có tài năng, có ý chí nhưng lại thiếu một chút bản lĩnh để vượt lên ở thời khắc quyết định. Nói như Djokovic, Murray nhiều lần cách chiến thắng một gang tay. Mọi chuyện thay đổi từ khi Murray làm việc cùng HLV Ivan Lendl (CH Séc). Với những liệu pháp tâm lý đặc biệt, ông Ivan đã biến Murray từ kẻ luôn chiến bại thành một chiến binh thực thụ. Tất nhiên, khi tài năng, ý chí và bản lĩnh cùng hòa quyện, Murray sẽ rất đáng gờm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận