Chiều 26/4 (15/3 Âm lịch), tại làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã diễn ra hội thi thả diều truyền thống.
Mở đầu là lễ trình diều và đăng ký thủ tục dự thi tại đền thờ thần Châu Thổ.
Diều tham gia hội thi có sải cánh tối thiểu 2,2m, rộng tối thiểu 0,6m và không được sử dụng giấy bóng trắng để dán diều.
Ngoài ra, diều phải đeo đủ 3 sáo trở lên. Sáo nhỏ nhất là 2,5cm và to dần đều.
Năm nay, hội thi có 48 cánh diều tham dự từ 22 câu lạc bộ trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên...
Là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất, ông Nguyễn Trường Sinh (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, đây là năm thứ 3 ông tham dự hội thi. Theo ông, để có được một con diều chất lượng phải mất nhiều công sức. Từ khung tre đến sáo đều được làm thủ công, tỉ mỉ.
Bậc cao niên trong làng thực hiện nghi thức đánh trống cầu phong.
Dù trời mưa khá nặng hạt, nhưng các đội thi đều hào hứng đem diều của mình ra khu vực cánh đồng trước đền tranh tài.
Để diều bay lên trời và dễ dàng bắt gió, người chơi phải rải dây đến hàng trăm mét.
Một người chơi đang "đâm" diều, chờ khi dây căng, gió đúng hướng để phi diều lên trên không.
Mỗi đội thi đều có từ 1-2 người cầm chạy theo hỗ trợ.
Với những con diều lớn, người chơi phải trang bị găng tay để giữ và lái diều.
"Diều thủ" chăm chú điều khiển cho diều đứng yên, không chao đảo.
Cánh diều no gió cùng tiếng sáo vi vu trên bầu trời. Mỗi cuộn dây có thể thả cả nghìn mét.
Một số cánh diều bị đứt dây trong lúc dự thi.
Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội đã có lịch sử từ xa xưa và là món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp Rằm tháng 3 hàng năm của người dân nơi đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận