Hôm nay, người dân Scotland bỏ phiếu về việc ly khai khỏi Vương quốc Anh |
Tách khỏi Anh, Scotland được gì?
Quy mô khoảng 5 triệu dân và GDP hơn 200 tỷ USD, Scotland đang hướng tới một mô hình phát triển tốt như Na Uy. Kinh tế đang tăng trưởng đều, nguồn dầu mỏ từ Biển Bắc dồi dào và thu nhập đầu người tương đương với Vương quốc Anh. Đây là lý do khiến Scotland muốn độc lập. Một lý do khác là Scotland không muốn phải chia sẻ gánh nặng kinh tế với Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, nếu tách khỏi Anh, tiêu chuẩn sống mỗi hộ gia đình Scotland sẽ giảm hai con số. Thu nhập của người Scotland có thể tăng lên 1.400 bảng/năm nhưng để duy trì các vấn đề an sinh xã hội, các loại thuế sẽ phải tăng 3%, nếu không sẽ phải cắt giảm 11% chi tiêu cho dịch vụ công. Số tiền để thay đổi thể chế sẽ khoảng 1, 5 - 2, 7 tỷ bảng.
Theo kết quả 3 cuộc thăm dò công bố tối 16/9, phe nói "không" vẫn dẫn điểm với tỷ lệ sít sao 52/48. Với tỷ lệ này, kết quả cuộc trưng cầu đang trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết và đang nóng lên không chỉ với nước Anh mà còn với cả châu Âu. Nếu Scotland ly khai, không chỉ những vùng khác như xứ Wales hay Bắc Ireland của Anh cũng sẽ đòi độc lập, mà làn sóng này sẽ còn lan sang cả các nước khác như vùng Catalan của Tây Ban Nha hay Flandre, Bỉ. |
Hiện tại, Scotland không có tiền tệ riêng mà dùng đồng bảng Anh. Nhưng khi tách khỏi Vương quốc Anh, Scotland không thể dùng đồng bảng. Khi đó, Scotland có thể gia nhập Eurozone để sử dụng đồng euro. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố, Scotland khó trở thành thành viên của EU nếu tách ra khỏi Anh bởi Scotland phải nhận nguồn viện trợ từ Anh 27 tỷ bảng (20% GDP/năm). Điều này rất có thể biến Scotland trở thành Hy Lạp thứ hai nếu gia nhập EU hay Eurozone.
Theo các số liệu thăm dò mới nhất, một số công ty dịch vụ tài chính dọa sẽ rời khỏi Scotland nếu xứ này tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Các tổ chức tài chính như Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), hãng bảo hiểm khổng lồ Standard Life, Tập đoàn Ngân hàng Lloyds,... công bố kế hoạch chuyển một số hoạt động về Anh để đảm bảo họ vẫn là một phần của hệ thống thuế và tiền tệ của Anh trong trường hợp Scotland độc lập. 65% trong số 200 nhà đầu tư hàng đầu của City of London cho rằng, kinh tế của Scotland sẽ gặp nhiều rủi ro nếu cử tri nói “có” với độc lập.
Vương quốc Anh sẽ mất nhiều hơn được
Scotland chiếm 78,7 nghìn km2, chiếm 32% diện tích toàn Vương quốc Anh (243.809 km²), chiếm 8,5% tổng dân số Vương quốc Anh (5,3 triệu người), Scotland tạo ra 10% tổng GDP của Vương quốc Anh. Bởi vậy, nếu Scotland tuyên bố độc lập Vương quốc Anh sẽ mất rất nhiều, từ kinh tế, chính trị, tài nguyên cho đến vị thế của một quốc gia đối với thế giới.
Về tài nguyên, Scotland có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên ở biển Bắc, chiếm 90% số mỏ dầu của Vương quốc Anh, tổng trữ lượng than đá khoảng 13,5 tỷ tấn và nhiều khoáng sản khác như: Quặng uranium, cát trắng tinh khiết... Về kinh tế, nổi tiếng với sản xuất len, lụa, vải; nhất là các sản phẩm rượu. Ngoài ra, còn có thể nói đến công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất ô tô, ngành nông nghiệp với nghề trồng các loại ngũ cốc và rau quả, 1/4 diện tích đất được sử dụng cho nhu cầu nông nghiệp.
Về chính trị, sẽ làm suy yếu sức mạnh của một liên minh tồn tại hơn 300 năm đã từng thống trị 1/3 thế giới. Mặt khác, tầm ảnh hưởng của Anh với tư cách là một khối liên hiệp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, EU, NATO hay các tổ chức khác như G7 và G20 sẽ không còn sức nặng như trước
Về quân sự và quốc phòng, hiện ở Scotland có bốn tàu ngầm hạt nhân chiến lược Anh trang bị tên lửa Trident mang đầu đạn hạt nhân, 16 tàu và tàu ngầm, cùng hai đơn vị đổ bộ. Vì vậy, quá trình di chuyển các kho vũ khí hạt nhân của Anh khỏi Scotland sẽ rất tốn kém và phải mất nhiều thời gian.
Trong những nỗ lực vào phút chót nhằm thuyết phục các cử tri Scotland nói “không”, ngày 16/9, Thủ tướng Anh David Cameron đồng thời là lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền đã ký bản cam kết chung với thủ lĩnh Công đảng đối lập Ed Miliband và lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LibDem), đồng thời là Phó Thủ tướng Nick Clegg về việc nâng cao mức chi tiêu công tính trên đầu người và trao thêm quyền tự chủ cho Nghị viện Scotland.
Hà Ngọc
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận