Chính phủ Anh đã bán 40% cổ phần cho tư nhân trong Công ty Eurostar để giải quyết tình trạng nợ công |
Cổ phần giao thông được giá
George Osborne tuyên bố ngày 4/3 rằng, khoản tiền bán 40% cổ phần Eurostar (Công ty Đường sắt cao tốc tuyến London - Paris) đạt 757 triệu bảng Anh, cao hơn gấp đôi so với dự kiến trước đó. Eurostar hiện thuộc sở hữu của ba nước: Anh (40% cổ phần), Pháp (55%) và Bỉ (5%). Ông Osborne đánh giá rằng, đây là một vụ mua bán vượt quá kỳ vọng và có lợi lớn cho những người đóng thuế ở Anh.
Ông nói: “Đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng đạt chất lượng tốt nhất ở Anh, đạt được những lợi ích lớn nhất cho người đóng thuế Anh và giải quyết khoản nợ quốc gia là các phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn. Với thỏa thuận bán Eurostar ngày hôm nay, chúng ta đã đạt được cả ba mục tiêu này”. Vụ mua bán này đã được thúc đẩy từ tháng 10 năm ngoái.
Một liên danh các nhà đầu tư Canada đã mua 40% cổ phần Eurostar với giá 585 triệu bảng. Eurostar cũng đồng ý chi 172 triệu bảng để mua lại cổ phần ưu đãi của Chính phủ Anh. Trên thực tế, Eurostar đã lọt vào danh sách tài sản mang ra bán do ông Osborne đề xuất vào mùa thu năm 2013. Tổng tài sản thuộc danh sách này lên tới 20 tỷ bảng Anh.
Louise Cooper, một nhà phân tích cho rằng, liên danh mua lại cổ phần Eurostar đã trả một cái giá hoàn toàn thỏa đáng. Các nhà đầu tư quan tâm đến lợi nhuận từ những tài sản là cơ sở hạ tầng vào thời điểm lợi tức từ những khoản đầu tư khác của họ đang giảm sút bởi sức ép từ ngân hàng.
Thứ trưởng Tài chính Danny Alexander nói: “Việc Chính phủ sở hữu những tài sản không cần thiết là điều không đúng đắn. Thỏa thuận bán cổ phần Eurostar đã vượt xa giá thị trường. Đây là ví dụ điển hình cho thấy Chính phủ đang làm mọi việc để bảo vệ những người đóng thuế và thể hiện nỗ lực cân bằng, vực dậy nền kinh tế quốc gia”.
Sẽ bán 20 tỷ bảng tài sản quốc gia
Eurostar đi vào hoạt động năm 1994. Kể từ đó tới nay tuyến đường sắt này đã chuyên chở hơn 150 triệu hành khách (năm 2014 là 10 triệu khách). Hiện nay, dịch vụ đường sắt cao tốc của Eurostar nối London với: St Pancras, Ebbsfleet, Ashford, Paris, Brussels, Lille, Calais, Disneyland Paris, Avignon và dãy Alps (Pháp).
Mới đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã có chuyến làm việc tại Việt Nam nhằm chia sẻ với cơ quan chức năng về kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và phát triển mô hình đối tác công tư - PPP. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, cựu Thủ tướng Anh bày tỏ mong muốn thông qua Văn phòng tư vấn Tony Blair Associates (TBA) chia sẻ về kinh nghiệm chọn các dự án hợp tác công tư - PPP của Bộ GTVT để chuẩn bị cho việc thí điểm; giúp đỡ tìm kiếm các đối tác tiềm năng để nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc, các sân bay cũng như các dự án hạ tầng GTVT; Văn phòng TBA tư vấn cách thức quản lý và tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước. |
Trước đó, trong các tài sản thuộc về giao thông và cơ sở hạ tầng, Chính phủ Anh đã bán Rolls Royce, Công ty Đường sắt Vương quốc Anh, Hãng hàng không British Airways.
Quá trình tư nhân hóa này bắt đầu dưới thời kì của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher. Bà đã bán khoảng 50 tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Sau chiến thắng lần thứ ba trong cuộc bầu cử Thủ tướng năm 1987, bà bán tiếp Công ty Dầu khí British Petroleum, Hãng hàng không British Airways và các công ty nước sạch, điện lực.
Khi ấy, công chúng đã phản ứng dữ dội và yêu cầu không được bán một số tài sản Nhà nước nổi tiếng và được yêu thích như Royal Mail (Công ty Vận chuyển thư và hàng hóa Hoàng gia) và NHS (Dịch vụ Y tế quốc gia) nhưng cuối cùng Royal Mail cũng ra đi. Năm 2010, người Anh tiếp tục chứng kiến NHS cùng nhiều tài sản khác trong lĩnh vực quản lý, giao thông, giáo dục ra đi qua những phiên đấu giá. Ngày 1/3/2015, Công ty Đường sắt East Coast vốn được tái quốc hữu hóa vào năm 2009 bị bán cho Tập đoàn Đường sắt Virgin Train. Đây cũng là công ty đầu tiên bị tư nhân hóa hai lần.
Dự kiến đến năm 2020, ông George Osborne sẽ hoàn thành việc bán 20 tỷ bảng Anh tài sản quốc gia để giải quyết nợ công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận