Công bố báo cáo tài chính mới nhất của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) - đơn vị vốn được coi là "anh cả đỏ" lĩnh vực vận tải biển, quý 1/2020, doanh thu hợp nhất của đơn vị này chỉ đạt hơn 347,5 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế âm hơn 86,4 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2019, tổng doanh thu của Vosco giảm hơn 76,5 tỷ đồng (năm 2019 là hơn 424 tỷ đồng), mức lỗ ước tăng hơn 40,7 tỷ đồng.
Lý giải về sự sụt giảm trên, ông Vũ Trường Thọ, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Vosco cho biết, quý 1/2020, thị trường vận tải biển rất khó khăn do thời gian nghỉ kéo dài do dịch Covid-19. Nửa đầu quý 1, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc (thị trường chủ chốt của khu vực), hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường biển tại đây gần như tê liệt, khiến giá cước giảm sâu. Khi dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới, các quốc gia thực hiện phong tỏa biên giới, cảng biển, hàng hóa trở nên khan hiếm, giá cước thấp kéo dài.
“Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2020, theo quy định của Tổ chức Hàng hải thế giới, các tàu phải chuyển sang nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp (0,5%). Trong tháng 1, giá nhiên liệu này tăng rất cao (sau đó có giảm) nhưng không bù được sự sụt giảm về doanh thu”, đại diện Vosco thông tin.
Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông, theo ông Bùi Việt Hoài, Chủ tịch HĐQT Vosco cho biết, trong 3 tháng đầu năm, Vosco đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do dịch Covid-19.
Khó khăn lớn nhất là việc tàu phải nằm chờ dài ngày để dỡ/lấy hàng do hầu hết các quốc gia khu vực châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Singapore, đều thực hiện biện pháp phong tỏa biên giới để phòng dịch. DN phải bỏ ra chi phí (nhiên liệu, tiền lương nhân công,…) từ 3.000 - 7.000 USD/ngày.
Đối với tàu biển chạy tuyến xa tải trọng 40.000 - 50.000 DWT, nếu thời gian trước dịch, Vosco có thể kiếm được 19.000 - 20.000 USD/ngày, hiện tại con số này đã giảm 60 - 70%.
Thị trường nội địa cũng không khả quan hơn khi trong quý 1, lượng hàng container nội địa giảm tới 20 - 30% chiều từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Giá cước giảm từ 10 - 20%, khoảng 5,5 triệu/cont20 và 6 triệu/cont’40 (chiều Hải Phòng - Sài Gòn) và khoảng 1,8 - 2 triệu/cont’20 (chiều ngược lại).
“Bước sang quý 2/2020, khó khăn càng lớn hơn khi hàng xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ ngưng trệ, các tàu feeder (tàu gom) cho khu vực Cái Mép - Thị Vải đồng loạt “đói hàng”. Doanh thu vì thế hao hụt nghiêm trọng”, ông Hoài chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận