Sân bay Gatwick, Anh đã phải đóng cửa suốt từ ngày 19/12 do bị UAV xâm nhập |
Trong bối cảnh số lượng UAV xuất hiện ngày càng nhiều hơn và các sự cố liên quan đến chúng cũng gia tăng, các chuyên gia đã đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của thiết bị này, trong đó có giải pháp sử dụng hàng rào điện.
Sân bay Gatwick hỗn loạn vì UAV xâm nhập
Tối ngày 14/12, Gatwick đã phải đóng cửa do có 2 máy bay không người lái xuất hiện trong khu vực. Đến 3h sáng, sân bay được mở cửa nhưng sau đó 45 phút lại phải đóng vì UAV tiếp tục xâm nhập.
Quân đội Anh đã được huy động để hỗ trợ cảnh sát Sussex. Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng, đây không phải một vụ khủng bố mà là hành động cố ý ngăn cản các chuyến bay.
Hãng Hàng không Ryanair đã buộc phải chuyển các chuyến bay đi và đến của mình sang sân bay Stansted vào ngày 22/12.
Các chuyến bay nội địa đến đến Gatwick đều phải chuyển hướng những sân bay khác ở London như Luton, Heathrow và Stansted.
Những chuyến bay quốc tế đều phải hạ cánh ở Paris và Amsterdam. Tổng cộng có 760 chuyến bay với 120 nghìnhành khách bị ảnh hưởng bởi vụ việc này.
Sau sự cố trên, nhiều người mới nhận thấy những chiếc máy bay không người lái nhỏ bé, rẻ tiền và bán đầy trên mạng có thể dễ dàng làm tê liệt cả hệ thống hàng không đến như nào? Các cơ quan quản lý đã phải lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa từ các UAV hoạt động gần sân bay, trong bối cảnh thiết bị này đang ngày càng phổ biến hơn.
Hiện tại, luật pháp Anh quy định các thiết bị bay bị cấm hoạt động trong phạm vi bán kính 1 km xung quanh sân bay. Nếu bị bắt, những người điều khiển có thể chịu mức án đến 5 năm tù giam.
Giải pháp hàng rào điện có thể chặn UAV?
Trước mối đe dọa của những chiếc máy bay không người lái đối với an toàn hàng không, một chuyên gia về UAV nói với hãng tin CNCB rằng, Chính phủ Anh cùng cơ quan quản lý cần có những quy định cứng rắn hơn, đồng thời áp dụng giải pháp hàng rào điện để xử lý vấn đề này.
Ông Brian Burridge, Giám đốc Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh cho hay, công nghệ này đang được sử dụng để chặn những chiếc máy bay không người lái vận chuyển hàng lậu, hàng cấm đến các nhà tù. Vì vậy, hoàn toàn có thể áp dụng cách thức này để ngăn UAV xâm nhập các sân bay như vụ việc vừa qua.
Theo ông Burridge, các công ty Drone Defense và Eclipse Digital Solutions đã cung cấp một hàng rào điện xung quanh một nhà tù trên đảo Guernsey của Anh.
Tuy nhiên, phạm vi của nó khá nhỏ, với sức chứa chỉ khoảng 140 tù nhân. Vì vậy, nếu muốn triển khai công nghệ này ra các địa điểm rộng lớn như sân bay, cần có sự đầu tư lớn hơn.
“Với những khu vực nhỏ như nhà tù ở Guernsey, chi phí để lắp đặt hàng rào điện vào khoảng dưới 1 triệu bảng (khoảng 1,3 nghìn USD). Các sân bay thường có phạm vi khoảng 14km, vì vậy các hàng rào điện cũng cần có công suất lớn hơn để bao trùm toàn bộ khu vực”, ông Burridge nói thêm.
Chuyên gia này cũng cho biết, các cơ quan quản lý cùng chính phủ cần nhanh chóng xác định và đưa ra giải pháp tối ưu để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra. Hiện tại, những quy định trong luật pháp chưa đủ để đảm bảo an toàn, ngăn chặn triệt để mối đe doạ từ UAV đối với ngành hàng không.
Một số ý kiến cũng chỉ ra, chính quyền các nước cần coi thiết bị máy bay không người lái như một loại phương tiện tiềm năng khả năng mang vũ khí và cần có quy định nghiêm khắc hơn để quản lý nó trước khi những hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.
Theo chuyên gia Martin Blaiklock, việc cho phép người dân mua bán và sử dụng UAV cần được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn.
“Những nguy hiểm một chiếc UAV có thể gây ra cho các máy bay khác đã được cảnh báo từ lâu, nhưng dường như các nhà quản lý không tính hết được điều này. UAV có thể gây ra những thiệt hại đáng kể về tài sản, thậm chí cả tính mạng hành khách đi máy bay và phi hành đoàn điều khiển các máy bay thương mại”, ông Blaiklock nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận