Ông Đoàn Minh Nguyệt (thứ ba, hàng sau từ phải qua) vinh dự được tham dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốcnăm 2012 |
Những chuyến xe vượt mưa bom, bão đạn
Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt (SN 1932) đang trú tại trú xóm 22, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). 86 tuổi nhưng ông Nguyệt vẫn rất nhanh nhẹn, tinh anh. Là con thứ 5 trong gia đình 8 anh chị em ở xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Nguyệt được biên chế vào làm công nhân của Viện Thiết kế thủy lợi. Cuối năm 1963, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ngày càng ác liệt, ông đã tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 pháo cao xạ (Hà Đông) rồi được cử đi đào tạo lái xe ở trường lái xe Quân đội. Năm 1965, ông Nguyệt chuyển công tác vào Cục Hậu cần Quân khu 4 với nhiệm vụ vận tải hàng hóa, vũ khí, lương thực từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam thông qua nước bạn Lào. Với chiếc xe Gaz 63, lái xe Đoàn Minh Nguyệt đã băng qua các cung đường “lửa” như: Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Tân Lập…
Hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh, ông kể, tháng 4/1965, tuyến đường Tây Trường Sơn lầy lội bởi những cơn mưa rừng xối xả, phía trên máy bay Mỹ quần đảo liên hồi nhằm chặn đứng các chuyến xe tiếp tế vào Nam. Vì thế, mỗi lần đi qua cung đường này, các tài xế phải dồn trí tuệ, bản lĩnh, kỹ năng lái xe tìm mọi cách đưa quân lương đến nơi an toàn. “Hôm đó, chiếc xe Gaz 63 do tôi lái chạy qua ngầm Xuyên Phan (tỉnh Xavanakhet, Lào) không may trúng bom, máu chảy khắp người, ướt đẫm cả lưng áo, nhưng tôi vẫn cố gắng lái xe đến trạm gần nhất hòng cứu xe, cứu hàng. Đến khi tỉnh dậy mới biết xe vẫn còn, riêng tôi bị 32 mảnh bom găm khắp cơ thể và được chuyển về Bệnh viện Quân khu 4 điều trị”, ông Nguyệt nhớ lại.
Năm 2008, Cục Xe máy Quân đội đã tổ chức bàn giao hai chiếc xe do Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt cầm lái trong nhiều năm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là chiếc Gaz 63 và chiếc Zil 157 cho Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Đây cũng là hai chủng loại xe tiêu biểu, đặc trưng cho các đoàn xe ra trận thường xuyên đi qua Ngã ba Đồng Lộc trong những năm chiến tranh ác liệt. |
Năm 1968, trong một chuyến chở hàng, xe do ông Nguyệt điều khiển đi qua tuyến lửa ngã ba Đồng Lộc thì gặp báo động có máy bay ném bom, phải vào nơi an toàn trú ẩn. Lúc này, một mảnh bom đã đâm thủng bình xăng chiếc xe Gaz 63 do ông cầm lái. “Đám lửa bùng cháy uy hiếp mấy tấn vũ khí trên thùng xe. Thấy vậy, tôi vội giật tấm chăn từ cabin trộn bùn ở một hố bom gần đó rồi úp vào thùng xăng. May mắn, chiếc xe và mấy tấn thuốc nổ được an toàn”, ông Nguyệt kể.
Năm 1969, ông cùng 3 đồng đội được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực cho Quân khu 5 Lào. Khi đến địa phận nước bạn, mưa tầm tã suốt cả tháng trời khiến toàn bộ cầu, ngầm trên đường đều bị cuốn phăng. Lúc này, ông họp bàn anh em chặt cây rừng bắc cầu, vác đá xếp ngầm qua các dòng suối để xe qua.
“Chúng tôi thay nhau chặt cây bắc cầu, cứ ba cây gỗ bắc được cho một bánh xe chạy qua. Trong hai tháng ròng rã vừa đi, vừa bắc cầu, chúng tôi đã bắc được 22 chiếc cầu và ngầm để đến địa điểm cần giao hàng. Với điều kiện thời tiết thuận lợi cung đường này chúng tôi chỉ đi khoảng 5 ngày là hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyệt nhớ lại.
4 năm gắn bó với chiếc xe Gaz 63, tài xế Nguyệt đã vận chuyển hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và đưa hàng trăm chiến sĩ vào chiến trường. Mỗi năm, ông Nguyệt phải đi trên 300 ngày, có tháng ngồi ròng rã trên xe cả 30 ngày, chiếc xe Gaz 63 đã cùng ông trên 95.000km an toàn, vận chuyển trên 600 chuyến hàng. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, địch đánh phá ác liệt khiến các tuyến đường vận tải luôn bị chia cắt. Chiếc xe Gaz 63 không còn đáp ứng được nhu cầu nên được thay thế bằng chiếc Zil khỏe hơn, hợp thời hơn. Cuối năm 1969, lái xe Đoàn Minh Nguyệt được cử làm Tiểu đội trưởng chỉ huy 3 chiếc Zil chở hàng và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Với nhiều thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bám đường, bám xe, ông Nguyệt đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, vinh dự được Bác Hồ gắn Huy hiệu của Người tại Đại hội điển hình lái xe miền Bắc năm 1968 và ngày 25/8/1970, ông Nguyệt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Từ anh lính lái xe, cuối năm 1974, ông được phong Đại đội trưởng chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Đông Xuân (1974-1975) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh kết thúc, ông Nguyệt tiếp tục công tác tại Cục Hậu cần, Quân khu 4 cho đến năm 1983.
Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt kể về những năm tháng lái xe vượt dãy Trường Sơn |
Hạnh phúc giữa đời thường
Sau 15 năm chinh chiến khắp các chiến trường Bắc - Nam, Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt trở về quê hương cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tuất (SN 1949) “chinh phục” đói nghèo. Buông tay súng, chắc tay cày, ông đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, từ chỗ làm ruộng đồng, ông chuyển sang kinh doanh thu mua lạc củ và song mây xuất khẩu.
Năm 2000, sau khi đã tích đủ vốn liếng, ông đã đầu tư xây dựng khách sạn Nga Ngọc Ngà (đặt theo tên của ba người con) ở TX Cửa Lò với 15 phòng khang trang sạch sẽ phục vụ du lịch. Năm 2004, ông đã đầu tư mua 22.000m2 đất ở xã Nghi Hợp để nuôi tôm. Với 4 hồ nuôi tôm, mỗi năm ông thu hoạch 5,5 tấn, trừ chi phí ông lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn mua thêm 5.000m2 đất làm trang trại tổng hợp nuôi cá và các loại gia súc, gia cầm ở xã Nghi Phong tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Gia đình Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt cũng đi đầu trong các hoạt động từ thiện. Mỗi năm, gia đình ông ủng hộ 30 triệu đồng cho các phong trào, hoạt động của địa phương, trong đó có ủng hộ để xây dựng trường học, đài tưởng niệm, xây nhà tình nghĩa và giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn trên địa bàn. “Giờ đây, tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để sống tốt, sống an nhiên bên con cháu”, ông Nguyệt tâm sự.
Với những thành tích trong chiến đấu, sản xuất, phát triển kinh tế, tháng 7/2012, ông Đoàn Minh Nguyệt vinh dự được tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận