Anh nâng báo động khủng bố lên mức cao nhất |
Một tuần mới lại đến với nước Anh nhưng chắc chắn người dân nơi đây vẫn chưa hết lo lắng sau vụ tấn công khủng bố trên tàu điện ngầm London cuối tuần qua khiến gần 30 người bị thương. Vụ việc đặt ra rất nhiều dấu hỏi đối với cơ quan chức năng và Chính phủ Anh, đáng chú ý là hoài nghi về việc quản lý người tị nạn tại xứ sở sương mù...
Bắt giữ 2 nghi phạm
Vụ tấn công trên tàu điện ngầm tại nhà ga Parsons Green (London), xảy ra vào đúng giờ cao điểm sáng 16/9, theo giờ Việt Nam khiến gần 30 người bị thương, trong đó có nhiều người bị cháy xém mặt. Theo cảnh sát, rất may thiết bị nổ chưa bung hết, nếu không, vụ việc này có thể trở thành thảm họa khiến hàng trăm người thương vong.
Mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công khiến Thủ tướng Anh Theresa May nâng mức cảnh báo khủng bố từ nghiêm trọng lên nguy cấp - mức cao nhất. Tính đến chiều 17/9, Cảnh sát Anh đã bắt giữ hai nghi phạm trong vụ tấn công bằng bom trên tàu điện ngầm London. Một nghi phạm 21 tuổi bị bắt tại khu vực ngoại ô Hounslow ở phía Tây London và bị áp giải tới đồn cảnh sát phía Nam Thủ đô.
Trước đó, cảnh sát Anh bắt giữ một nghi phạm 18 tuổi là người tị nạn, tại khu vực cảng Dover. Cả danh tính và quốc tịch của nghi phạm 18 tuổi đều chưa được công bố. Hai nghi phạm bị cáo buộc theo Điều 41 trong Luật Khủng bố.
Chỉ vài giờ khi bắt giữ nghi phạm thứ nhất, cảnh sát có vũ trang đã ập tới lục soát hai ngôi nhà chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại London. Truyền thông Anh nghi ngờ, ngôi nhà của ông bà Penelope và Ronald Jones trên đường Cavendish Road là nơi nhận nuôi nghi phạm tị nạn 18 tuổi trên.
Hai người đã chăm sóc hàng trăm trẻ em từ năm 1970 đến nay, trong đó có nhiều trẻ tị nạn đến từ nhiều nước khác nhau. Vợ chồng nhà hảo tâm từng được Nữ hoàng Anh trao tặng Huân chương dành cho công dân ưu tú (MBE) vì tấm lòng và hành động từ thiện của hai ông bà.
Telegraph dẫn lời kể của hàng xóm nhà ông bà Jones (giấu tên) cho biết: “Ba tháng trước, gia đình này đã nhận nuôi một trẻ tị nạn từ Syria. Bạn tôi nói cậu trai đó khoảng 16 tuổi nhưng tôi thấy có lẽ người đó phải hơn 18.
Thanh niên này suốt ngày gây rối - luôn tìm cách chạy trốn và giở đủ trò”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cảnh sát chưa xác nhận cậu bé tị nạn tại nhà ông bà Jones và nghi phạm khủng bố 18 tuổi bị bắt có phải là một hay không.
Từ Anh trông sang Mỹ
Dù chưa rõ danh tính và quốc tịch nghi phạm trẻ tuổi nhưng dư luận Anh và các nước phương Tây, nhất là Mỹ rất lưu tâm đến chi tiết đối tượng bị bắt là người tị nạn. Nước Mỹ vốn tranh cãi sâu sắc về việc hạn chế người chạy nạn vào Mỹ để đề phòng khả năng những người có tư tưởng cực đoan len lỏi và gây ra các vụ tấn công tàn bạo.
Vốn là người cực lực ủng hộ quy định hạn chế người tị nạn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lấy đây làm cơ hội để thúc đẩy lệnh cấm người tị nạn vào Mỹ một cách “mạnh mẽ và trên quy mô rộng” hơn nữa. Trong phản ứng ngay sau vụ tấn công tại London, ông Trump gây bão dư luận khi nhận định, Cảnh sát London đáng lẽ có thể làm tốt hơn để ngăn chặn vụ đánh bom. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May nhanh chóng đáp trả: Phát ngôn của Tổng thống Trump không mang lại lợi ích gì khi đồn đoán xung quanh cuộc điều tra vẫn còn chưa kết thúc.
Sau đó, trong một chia sẻ khác trên Twitter, Tổng thống Trump lại nhấn mạnh, sắc lệnh hạn chế đi lại đối với người dân đến từ 6 quốc gia chủ yếu theo đạo Hồi vào Mỹ mà ông đã ký thông qua từ đầu năm nay đáng lẽ phải được thực thi “rộng, mạnh mẽ và cụ thể hơn”.
Lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump được ban hành vào tháng 1 nhưng đã bị các tòa án của Mỹ ngăn chặn. Tòa án Tối cao Mỹ dự kiến mở phiên tranh luận vào ngày 10/10 tới về tính hợp pháp hóa của các lệnh cấm đi lại với người dân đến từ 6 nước chủ yếu theo đạo Hồi và người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới.
Còn tại Anh, nước này vốn có chính sách tị nạn và nhập cư khá khắt khe với tiêu chí rất cứng rắn. Ngoài ra, Anh không tham gia Hiệp ước Tự do đi lại Schengen nên không chịu nhiều ràng buộc liên quan tới việc tiếp nhận người tị nạn so với các nước châu Âu khác.
Dù vậy, Anh lại thường xuyên phải chịu cảnh người tị nạn nhập cư trái phép từ các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp vượt biên trái phép sang Anh. Trước sự việc trên, Chính phủ Anh kêu gọi thúc đẩy hiệp ước an ninh mới với châu Âu, trong đó cho phép hợp tác sâu hơn nữa về vấn đề chống tội phạm và khủng bố sau khi Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận