CNN dẫn tuyên bố từ Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly ngày 8/5 cho biết, bên cạnh vụ trục xuất nói trên, Anh cũng sẽ tước quy chế ngoại giao đặc biệt với "một số tài sản thuộc sở hữu của Nga" trên đất Anh mà Chính phủ Anh cáo buộc được sử dụng với mục đích tình báo.
Những tài sản nói trên bao gồm một tòa nhà ở Highgate, Bắc London, dinh thự Seacox Heath ở khu vực nông thôn Sussex, miền Nam nước Anh.
Ông Cleverly cho biết, những biện pháp trên được Chính phủ Anh đưa ra sau khi có 5 người mang quốc tịch Bulgaria bị xét xử với cáo buộc có liên quan đến cuộc điều tra của cảnh sát chống khủng bố theo Luật An ninh Quốc gia.
Những bị cáo này được cho là có liên quan đến vụ tấn công bằng xăng vào một cơ sở kinh doanh có liên hệ với Ukraine ở Anh mà các công tố viên Anh xác nhận "là hành động thù địch chống lại Anh để mang lại lợi ích cho một quốc gia khác mà trong trường hợp này là Nga".
"Trong những ngày tới, chúng ta có thể sẽ nhận được những cáo buộc về nỗi sợ hãi nước Nga và cả những thuyết âm mưu mà Chính phủ Nga đưa ra. Những điều này không có gì mới mẻ và người dân cũng như Chính phủ Anh sẽ không bị lừa dối bởi những luận điệu sai trái của những người ủng hộ ông Putin", ông Cleverly khẳng định.
Cũng theo ông Cleverly, Anh dù đã trở thành "một thách thức cực lớn đối với những hoạt động tình báo của Nga" nhưng các biện pháp mới được đưa ra "sẽ càng giúp gia tăng khả năng đối phó với các mối đe dọa từ Nga".
Ngoại trưởng Anh David Cameron đã mô tả biện pháp mới này là "thông điệp rõ ràng gửi tới Nga rằng hành động của họ chắc chắn sẽ bị đáp trả". "Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự với Ukraine, họ ngày càng gia tăng những nỗ lực làm suy yếu an ninh của Anh và châu Âu ", ông Cameron nhấn mạnh.
Cùng với Anh, một số quốc gia châu Âu khác cũng đã có động thái tương tự nhằm vào Nga. Estonia đã triệu tập Đại sứ Nga để phản đối việc Nga gây nhiễu tín hiệu Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) ảnh hưởng đến hoạt động hàng không. Trong khi đó, Ba Lan cho biết nước này đã trở thành mục tiêu tấn công của một nhóm hacker có liên hệ với Nga.
Tuần trước, các nước thành viên NATO cũng bày tỏ "đặc biệt quan ngại" về những vụ tấn công mạng có liên quan đến Nga nhằm vào Cộng hòa Séc, Estonia, Đức, Latvia, Litva, Ba Lan và Anh bị cảnh sát Cộng hòa Séc phanh phui.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Nga sẽ "có hành động đáp trả thích đáng" trước động thái của Anh. Bà Zakharova cáo buộc Đức lan truyền những thông tin vô căn cứ về các hacker Nga nhằm làm leo thang căng thẳng và gọi việc Đức triệu tập Đại sứ Nga để tham vấn là hành vi có thể gây phương hại đến quan hệ song phương.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine tháng 2/2022, Nga đã hứng chịu hàng loạt những lệnh trừng phạt từ Anh và các quốc gia phương Tây. Dù vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định những lệnh trừng phạt này không có nhiều tác dụng.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Moscow cũng đã đáp trả các biện pháp trừng phạt của Anh và phương Tây bằng cách áp đặt lại các lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức phương Tây, ngăn chặn hàng chục quan chức Anh nhập cảnh vào Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận