Hoạt động khai quật được tiến hành tại khu Di tích Tam Tinh Đồi ở tỉnh Tứ Xuyên
Theo Tân Hoa xã, các nhà khảo cổ Trung Quốc ngày 20/3 thông báo một số khám phá quan trọng mới trong hoạt động khai quật tại khu Di tích Tam Tinh Đồi ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, giúp “làm sáng tỏ nguồn gốc văn hóa dân tộc Trung Quốc”.
Các cơ quan tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc dẫn thông báo của Cục Quản lý Di sản Văn hóa Quốc gia của nước này ở tỉnh Thành Đô cho biết, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 6 hố tế lễ mới và khai quật hơn 500 vật phẩm có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm.
Hoạt động tuyên truyền cũng được đẩy mạnh sau những phát hiện mới.
Các hố mới này nằm cạnh hai hố tế lễ được phát hiện năm 1986. Hố có hình chữ nhật, có diện tích từ 3,5-19 m2. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều vật phẩm văn hóa khác nhau từ 4 trong số các hố, gồm mặt nạ vàng, lá vàng, mặt nạ đồng xanh, cây đồng, ngà voi và ngọc bích. Các hố mới phát hiện vẫn đang được khai quật.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn khai quật được các tác phẩm điêu khắc nhỏ bằng ngà voi, tàn dư của lụa và các sản phẩm dệt, gạo đã cacbon hóa và hạt cây trồng.
Các cổ vật phát hiện được rất đa dạng, có cả đồ đồng, ngà voi...
Theo Tân Hoa xã, những khám phá cho thấy sự đặc biệt của nền văn minh Thục và sự đa dạng của nền văn minh Trung Quốc. Di chỉ Tam Tinh Đồi là một trong số 10 di chỉ khảo cổ hàng đầu của Trung Quốc trong thế kỷ 20.
Khu vực này có diện tích 12 km2, nằm ở thành phố Quảng Hán, thị trấn Tam Tinh Đồi, cách Thành Đô khoảng 60 km, được cho là tàn tích của Vương quốc Thục, có niên đại khoảng 4.800 năm và tồn tại hơn 2.000 năm.
Một bức tượng đồng trong số các cổ vật khai quật được
Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nhân sự kiện này đã có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu khảo cổ học.
Trong khi đó, một bài báo của trang SCMP viết rằng, “các báu vật mới được tìm thấy ở Tứ Xuyên cho thấy dấu vết của một nền văn minh cổ đại chưa từng được biết đến, có khả năng viết lại lịch sử Trung Quốc”.
Một chiếc mặt nạ bằng vàng lá cũng được tìm thấy
Không rõ có phải do sự phóng đại của các nhà báo hay không nhưng theo SCMP, “các quan chức và nhà nghiên cứu tin rằng các cổ vật này thuộc về một nền văn minh có trình độ phát triển cao, đã tồn tại trong hàng nghìn năm, nhưng đến nay chưa được ghi nhận trong lịch sử”.
Một trong các cổ vật đáng chú ý là chiếc mặt nạ bằng vàng. Đây có thể là đồ vật được các tu sĩ sử dụng trong nghi lễ tôn giáo.
Hoa văn trên một cổ vật được phát hiện tại khu di tích
“Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một số cổ vật bằng đồng lớn và lâu đời nhất thế giới tại di chỉ Tam Tinh Đôi, trong đó có tác phẩm "cây sự sống" cao tới 4 m. Những cổ vật mới được khai quật là bằng chứng về một nền văn minh bí ẩn có nền kinh tế thịnh vượng và công nghệ tiên tiến từng tồn tại” – SCMP viết.
Nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu khai quật quy mô lớn ở di chỉ Tam Tinh Đôi từ năm 2019. Đến nay, nước này đã tìm thấy hơn 500 đồ tạo tác được làm từ vàng, đồng, ngọc bích, ngà voi, có niên đại hơn 3.000 năm.
Một cổ vật khác có vẻ như được chế tạo từ đất nung
Theo trang báo có trụ sở ở Hồng Kông, các cổ vật ở Tứ Xuyên không có mối liên hệ với nền văn hóa sau này của Trung Quốc. Các nhà khảo cổ đến nay cũng chưa giải mã được các ký hiệu có trên cổ vật.
Chất lượng và độ tinh xảo của các cổ vật này vượt xa đồ tạo tác chế tạo cùng thời ở những khu vực khác tại Trung Quốc, kể cả ở vùng Trung Nguyên, cái nôi của triều đại nhà Thương quanh đồng bằng sông Hoàng Hà.
Trung Nguyên từ lâu được cho là trung tâm của nền văn minh Trung Quốc, với trình độ phát triển cao hơn so với các khu vực lân cận bị coi là "man di".
Các phát hiện mới ở Tam Tinh Đôi cho thấy nền văn minh Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với những gì đã được biết và có khả năng “sẽ bị viết lại”.
Zhao Congcang, một chuyên gia khảo cổ học tại Đại học Tây Bắc, Tây An, cho biết các đồ tạo tác ở Tam Tinh Đôi là phát hiện gây chấn động.
Theo ông này: “Không những vậy, một số đồ tạo tác tương tự được tìm thấy ở vùng quanh sông Trường Giang và các nước Đông Nam Á. Điều này cho thấy nền văn minh bí ẩn trên đã tham gia giao thương với nhiều khu vực khác".
Hiện không rõ ý nghĩa của các tuyên bố về phát hiện khảo cổ mới ở Trung Quốc, nhưng nhận định cho rằng nó có thể là sự kiện có thể thôi thúc Trung Quốc “viết lại lịch sử” là điều đáng lưu ý.
Việc viết lại theo hướng nào, có mang hàm ý, bị ảnh hưởng bởi mong muốn từ chính quyền hiện tại ở Trung Quốc hay có tác động gì đến các quốc gia lân cận hay không, là một vấn đề đáng lưu tâm.
Theo SCMP, Tứ Xuyên nằm trong một khu vực lòng chảo có đất đai màu mỡ, tách biệt với phần còn lại của Trung Quốc bởi các rặng núi.
Khu vực này chỉ trở thành một phần của Trung Quốc sau cuộc xâm lăng của nhà Tần năm 316 trước Công nguyên. Tuy nhiên, không có ghi chép chính thức về Tứ Xuyên trước khi nhà Tần kiểm soát khu vực này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận