Kinh tế

Áp lực tăng lãi suất đè nặng doanh nghiệp

05/10/2022, 07:00

Trong khi tác động từ chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao vẫn hiện hữu, doanh nghiệp lại bị đè nặng bởi áp lực tăng lãi suất vay vốn.

Lãi suất có thể tăng khoảng 1-1,5%?

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát, USD đã tăng lên mức cao nhất trong 20 năm so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Tại Việt Nam, hàng loạt ngân hàng cũng vừa tăng lãi suất huy động, kéo theo lo ngại tăng lãi suất cho vay.

img

Việc tăng lãi suất sẽ khiến phần lớn doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực, trừ lĩnh vực bảo hiểm sẽ hưởng lợi. Ảnh: Tạ Hải

Một khách hàng có khoản vay tại Ngân hàng Tiên Phong Bank cho biết, đầu tháng tháng 10 chưa thấy thông báo điều chỉnh lãi suất vay, tuy nhiên từ tháng 8 đến nay, ngân hàng này đã 2 lần tăng lãi suất.

Cụ thể, lần tăng mới nhất là ngày 23/8, lãi suất từ mức 11,29%/năm (mức áp dụng từ ngày 23/5/2022) lên 11,6%/năm. Ngân hàng giải thích lý do lãi suất huy động tăng và sắp tới còn tăng nữa.

Ông Dương Duy Đông, giám đốc một công ty cơ khí tại Hà Nội cho biết, khoản vay khoảng 2,5 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh của ông vừa nhận được thông báo tăng lãi suất thêm 1% từ tháng 10.

“Việc tăng lãi suất khiến tôi rất đau đầu. Bởi hiện nay, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao khiến nguồn vốn phải đội lên nhiều”, ông Đông cho hay.

Một nhân viên Ngân hàng SEABank cho biết, hiện SEABank đang áp dụng mức lãi suất cho vay là 9,6%/năm, biên độ sau 1 năm là 3,49%.

“Đây là mức của tháng 9, tới đây các ngân hàng sẽ đồng loạt tăng thêm khoảng 0,5-1,5% sau khi tăng lãi suất huy động”, người này cho biết.

Ghi nhận cho thấy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm thường bằng VND tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ, tại các ngân hàng thương mại trong ngày đầu tháng 10/2022 bật tăng mạnh so với cùng kỳ tháng 9/2022, với mức tăng từ 0,1-1,3%, tùy kỳ hạn/tùy ngân hàng.

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, lãi suất còn có thể tiếp tục tăng nữa. Cụ thể, lãi suất huy động và cho vay có khả năng tăng thêm 0,3-0,5% tùy kỳ hạn đối với lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng thương mại.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ, tăng lãi suất điều hành sẽ giúp ổn định tỷ giá và làm giảm sức ép lên Ngân hàng Nhà nước trong việc phải can thiệp trên thị trường ngoại hối giúp tỷ giá duy trì ổn định.

Song, môi trường lãi suất tăng cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nói chung có khả năng bị thu hẹp trong thời gian tới.

“Mặt bằng lãi suất huy động đi lên khó tránh lãi suất cho vay sẽ tăng, thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát”, ông Thành nhận định.

Vay nợ bằng USD chịu áp lực kép

Không chỉ doanh nghiệp vay bằng VNĐ, hiện các doanh nghiệp vay bằng USD đang khốn đốn do áp lực tỷ giá, lãi suất cao khiến họ phải đối mặt với rủi ro kép là tăng chi phí lãi và lỗ tỷ giá khi đánh giá lại khoản vay.

Theo đánh giá từ Công ty CP Chứng khoán VNDirect, đồng USD mạnh lên sẽ kéo theo giá trị của chi phí lãi vay lẫn giá trị nợ gốc đều tăng lên khi quy ra VND.

Những doanh nghiệp có tỷ trọng nợ vay ngắn hạn lớn sẽ đối mặt với rủi ro về dòng tiền đối khi phải xoay xở để trả nợ gốc và chi phí lãi vay.

Hơn nữa, khi khoản nợ vay ngắn hạn này đáo hạn, khả năng cao doanh nghiệp sẽ phải vay mới với lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Báo cáo vừa phát hành của đơn vị này cho thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có cơ cấu nợ vay bằng USD khá lớn, ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lĩnh vực bất động sản đa ngành, hàng không, xuất nhập khẩu, nhiệt điện…

Đơn cử, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) có tổng dư nợ vay ngưỡng 166.588 tỷ đồng; trong đó khoảng 39,4% là vay bằng USD, tương đương 65.559 tỷ đồng quy đổi; Tổng công ty Phát điện 3 (mã PGV) cũng có khoảng 36.868 tỷ đồng dư nợ vay bằng USD, chiếm 86,6% tổng dư nợ vay của doanh nghiệp. Tổng công ty Phát điện 2 (GE2) có dư nợ vay USD vào khoảng 12.669 tỷ đồng quy đổi, chiếm 35,2% tổng dư nợ...

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đánh giá, lãi suất đồng USD tăng, các nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao.

Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài và thị trường chứng khoán tại Việt Nam.

Đặc biệt, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp sẽ tăng lên. Hiện nay, mức vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả của Việt Nam vẫn trong khuôn khổ an toàn nợ nước ngoài của quốc gia và đóng góp quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khi Fed tăng lãi suất, khu vực doanh nghiệp sẽ tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.

Giải pháp nào giảm áp lực?

Với thực tế hiện nay, ông Lâm cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, lĩnh vực chủ động nắm chắc tình hình, rà soát, kịp thời đưa ra những chính sách, giải pháp phù hợp.

Đối với một số ngành, lĩnh vực trong các tình huống đặc biệt cần đưa ra giải pháp đặc thù. Song song đó, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

“Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giảm mạnh một số loại thuế và phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào”, ông Lâm nói và cho rằng, vai trò điều hành giá cần được sát sao, linh động hơn trong thời gian tới.

Còn theo TS. Võ Trí Thành, hiện vẫn còn dư địa để giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng. Đó là, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% (quy mô 40.000 tỷ đồng) khi gói này mới giải ngân chưa đáng kể.

Việc này sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay, như công cụ room tín dụng.

Tuy vậy, vị này cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định có thể cũng chỉ áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên.

Với các lĩnh vực khác, đặc biệt lĩnh vực rủi ro, lãi suất cho vay tăng là khó tránh. Đây là điều doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải chấp nhận trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu tăng chóng mặt.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đã trải qua thời kỳ “tiền rẻ” và bắt đầu bước sang thời kỳ “tiền đắt”, tức chi phí để có được tiền sẽ cao hơn rất nhiều.

Do đó, cần đưa ra những chiến lược ứng phó cho phù hợp trong hoàn cảnh mới. Với việc Fed vẫn giữ nguyên quan điểm thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, xu hướng tiền đắt trên toàn cầu sẽ được duy trì ít nhất là trong trung hạn. Bởi vậy, doanh nghiệp cần nâng cao vai trò sử dụng vốn linh hoạt mới giảm thiểu được rủi ro.

Trước câu hỏi về việc tăng lãi suất điều hành lên 1%, trần lãi suất huy động tiền gửi sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của doanh nghiệp sản xuất những tháng cuối năm, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn khẳng định, Ngân hàng Nhà nước khi điều chỉnh lãi suất đã tính đến mục tiêu, giải pháp bình ổn lãi suất cho vay.

Theo ông Sơn, Ngân hàng Nhà nước đã vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát tiết giảm các chi phí hoạt động, qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.