Tham mưu không đúng kết luận của Thủ tướng
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, trong đó chỉ ra loạt khuyết điểm, vi phạm của Bộ Công thương.
Về tham mưu chính sách, kết luận thanh tra nêu Bộ Công thương tham mưu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận (quy định tại khoản 3 Điều 5) tại Quyết định 13 năm 2020, trái với nội dung Nghị quyết 115 năm 2018 của Chính phủ.
Theo Nghị quyết 115 năm 2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, Chính phủ đồng ý tỉnh này được hưởng chính sách giá điện ngưỡng 9,35 UScent/kWh theo Quyết định 11 năm 2017 đến hết năm 2020 với tổng công suất điện mặt trời là 2.000 MW. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã tham mưu mở rộng đối tượng là các dự án đã có trong quy hoạch và các dự án được phê duyệt bổ sung quy hoạch sau thời điểm ban hành Nghị quyết 115.
Dẫn đến, 14 dự án điện mặt trời được hưởng giá ưu đãi 9,35 UScent/kWh không đúng đối tượng. Từ năm 2020 tính đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115.
"Điều này trái với nội dung Nghị quyết 115 và kết luận của Thủ tướng tại Thông báo ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ", Thanh tra chính phủ nêu xác định trách nhiệm thuộc về Bộ Công thương với vai trò chủ trì tham mưu.
Sau khi giá FIT theo Quyết định 11 hết hiệu lực, Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 13 năm 2020. Tuy nhiên, điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá ưu đãi (FIT) ngưỡng 7,09 UScent/kWh (khoản 1 Điều 5) theo Quyết định 13 được Bộ Công thương tham mưu không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ.
Chính phủ chỉ đạo "xem xét ban hành biểu giá FIT áp dụng đối với các dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020; Đối với các dự án còn lại và các dự án mới sẽ không tiếp tục áp dụng biểu giá FIT mà chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh...
Tuy nhiên, Bộ Công thương đã nêu lý do rằng quyết định, thông tư về điện mặt trời hết hiệu lực nên chưa có cơ sở để EVN ký hợp đồng mua bán điện với nhà đầu tư. Từ đó, Bộ tham mưu theo hướng mở rộng dự án bằng việc cho dự án đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh. Vi phạm này của Bộ Công thương cũng dẫn đến việc 14 dự án được hưởng giá FIT 7,09 UScent/kWh không đúng đối tượng...
Ngoài những vi phạm trên, Bộ Công thương còn vi phạm về việc phê duyệt và tham mưu cho Thủ tướng phê duyệt ồ ạt dự án nguồn điện gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành; Tham mưu cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà; Việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió…
Để xảy ra nhiều tồn tại, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ cho rằng đây là minh chứng rõ về sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2016-2020.
Nhiều bộ, ngành liên quan
Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công thương với vai trò chủ trì tham mưu. Nhưng đối với việc tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT 7,09 UScent/kWh, Thanh tra Chính phủ, cho rằng còn có trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan như Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ và EVN khi đã đồng thuận với phương án đề xuất của Bộ Công thương.
Đề xuất hướng xử lý trách nhiệm, cơ quan này đã có văn bản chuyển các vụ việc liên quan đến điện tới Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Với 14 dự án đang được hưởng giá FIT không đúng nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế khi để EVN "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng đã mua điện không đúng đối tượng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư.
Do đó, đơn vị này đề nghị Bộ Công thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, xử lý. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận