Năm 2015, sản lượng nhập khẩu phôi thép và thép dài từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng tương ứng 214% và gần 50% so với năm 2014. Ảnh minh hoạ |
Sẽ áp thuế đến cuối năm nay
Bộ Công thương ngày 9/3 cho biết, vừa ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể, trên cơ sở kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng là mức thuế tương đối 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài. Mức thuế này được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày, kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời (tức là tới hết 7/10/2016).
Các biện pháp tự vệ không áp dụng đối với hàng hoá có xuất xứ từ các nước kém phát triển, nếu số lượng hàng hoá nhập khẩu của nước đó vào Việt Nam không vượt quá 3% và dưới 9% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, biện pháp tự vệ này chủ yếu nhằm vào thép Trung Quốc, khi khoảng 60% thép nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Một số quốc gia thuộc ASEAN được loại trừ trong danh sách áp dụng biện pháp tự vệ và sẽ vẫn tiếp tục được hưởng thuế suất ưu đãi theo Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc.
Trước đó, việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài được Bộ quyết định trên cơ sở đề nghị của nhóm 4 công ty yêu cầu gồm Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý. |
5 doanh nghiệp hưởng lợi nhất
Theo đánh giá tác động của quyết định áp thuế tự vệ tạm thời lên các doanh nghiệp thép niêm yết của BVSC, các doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên là những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng tự chủ phôi thép bao gồm Công ty CP Thép Hòa Phát (HPG), Công ty CP Thép Việt Ý (VIS), Công ty CP thép Pomina (POM), Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TIS), Công ty CP Thép Dana (DNY) do giảm bớt lo ngại về phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những doanh nghiệp không sở hữu nhà máy phôi và phải mua ngoài toàn bộ như Công ty CP Thép Việt Đức (VGS) sẽ bị thiệt hại đầu tiên, khi thuế nhập khẩu phôi tăng lên. Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty CP Tập đoàn Thiên Long (TLG), Công ty CP Thép Nam Kim (NKG), Công ty CP Hữu Liên Á Châu (HLA) sẽ không được hưởng lợi gì từ quyết định này.
Thị trường thép Việt Nam sẽ ra sao?
Theo phân tích của BVSC, biện pháp tự vệ tạm thời sẽ có tác động tích cực đến ngành thép Việt Nam. Hiện tổng công suất sản xuất thép Trung Quốc ở mức 1.170 triệu tấn, dư thừa khoảng 300 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ (đã bao gồm cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu), khiến hiệu suất sử dụng toàn ngành chỉ đạt khoảng 65%.
Tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu tiêu thụ nội địa suy yếu do kinh tế tăng trưởng chậm lại đã khiến Trung Quốc phải đẩy mạnh xuất khẩu thép. Sản lượng xuất khẩu giai đoạn 2014-2015 tăng hơn 65% so với 2012-2013.
Do Việt Nam có vị trí địa lý ngay sát Trung Quốc, nên trở thành điểm đến thuận lợi cho thép Trung Quốc thâm nhập. Sản lượng nhập khẩu phôi thép và thép dài từ Trung Quốc trong năm 2015 đã tăng tương ứng 214% và gần 50% so với năm 2014.
Việc Bộ công thương đưa ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ giúp hạn chế thép Trung Quốc nhập khẩu, cũng như ổn định giá thép trên thị trường Việt Nam, BVSC đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận