Các nhà hoạt động xã hội biểu tình trước cửa Đại sứ quán Arab Saudi tại Jarkarta phản đối việc tử hình lao động người Indonesia |
Sự bất bình của dư luận đối với Arab Saudi sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi còn chưa lắng xuống thì vương quốc vùng Vịnh lại tiếp tục gây nên một làn sóng phản đối mới xoay quanh việc thi hành án tử hình bằng hình thức hành quyết một lao động người Indonesia mà không hề thông báo cho chính quyền Jakarta.
Tranh cãi xoay quanh vụ osin giết ông chủ
Chính phủ Indonesia ngày 31/10 hết sức phẫn nộ sau khi Riyadh hành quyết một nữ công dân Indonesia làm nghề giúp việc (osin) bị kết tội giết nam chủ nhân người Arab Saudi.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, ông đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Arab Saudi, Adel bin Ahmed al-Jubeir để phản đối và yêu cầu giải thích tại sao Indonesia không được thông báo trước việc nữ công dân Tuti Tursilawati bị xử tử vào thứ hai (29/10).
Nhà lãnh đạo Indonesia cũng khẳng định, ông đã nhắc đến vấn đề của cô Tursilawati khi Ngoại trưởng Arab Saudi Adel bin Ahmed al-Jubeir đến thăm Jakarta vào tuần trước và vụ án này cũng được nhắc đến nhiều lần với các quan chức Saudi, bao gồm cả Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cũng ngay lập tức điện đàm với người đồng cấp Arab Saudi al-Jubeir bày tỏ sự phản đối của bà về vụ hành quyết, trong đó bà chỉ được thông báo sau khi sự việc đã diễn ra.
Bà Marsudi cũng triệu Đại sứ Arab Saudi Usamah Muhammad Al Syuaiby tới gặp nhà lãnh đạo tại Bali trong ngày 1/11.
Còn tại Jakarta, ông Lalu Muhammad Iqbal, Giám đốc Cơ quan bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao Indonesia đã tìm về vùng nông thôn Majalengka, Tây Java để thăm gia đình Tuti và thông báo cho họ về sự ra đi của cô.
Ông Iqbal nói rằng, người nhà của Tuti đã rất ngạc nhiên vì gần 2 tuần trước, ngày 19/10, cô gái trẻ đã được phép nói chuyện với mẹ qua một cuộc gọi video để thông báo việc cô vẫn mạnh khỏe và tất cả đều không biết gì về việc cô sắp bị hành hình.
Tuti đã bị buộc tội giết người có chủ đích, tội danh theo luật hình sự của Arab Saudi có thể phải chịu mức án tử hình. Thông tin mới này trái ngược với các báo cáo trước đó nói rằng, Tuti không phạm tội giết người trong tình huống tự vệ để chống lại hành động hiếp dâm của ông chủ nơi cô đang làm việc. “Tuti đã bị quấy rối tình dục, nhưng cô ấy không phạm tội cố ý giết người”, ông Iqbal giải thích.
Sau vụ việc kể trên, Tuti chạy trốn khỏi nhà ông chủ người Saudi nhưng bị hãm hiếp bởi 9 người đàn ông trước khi bị cảnh sát bắt giam. Tất cả những kẻ hiếp dâm nữ công dân Indonesia đã được xét xử trong một phiên tòa khác.
Nữ công dân Indonesia Tuti Tursilawati bị tử hình ngày 29/10 |
Nỗi lo của 11 triệu lao động nước ngoài tại Arab Saudi
Theo Migrant Care, một nhóm hỗ trợ các quyền của người Indonesia làm việc ở nước ngoài, cô gái trẻ Tuti Tursilawati đã để lại con nhỏ để đến Arab Saudi với mong muốn kiếm được thu nhập nhiều hơn tại vùng quê nghèo. Tuy nhiên, tai họa đã ập đến khi cô cố tự vệ khỏi bị hãm hiếp.
Vụ việc cho thấy tình thế khó khăn của nhiều người trong số 11 triệu lao động nước ngoài từ hơn 100 quốc gia đang làm việc tại Arab Saudi. Theo ước tính, khoảng 2,3 triệu người trong số này là phụ nữ làm nghề giúp việc nhà. Những người lao động nước ngoài thường gặp rắc rối với hệ thống luật pháp của Arab Saudi, vốn dựa trên luật Hồi giáo Shariah rất khắt khe.
Chỉ mới tuần trước, Riyadh đã bắt giữ 19 lao động từ Philippines trong cuộc đột kích vào một bữa tiệc Halloween ở Riyadh. Dù những người này đã được thả ra, nhưng họ có nguy cơ phải đối mặt với các cáo buộc vì quan hệ nam nữ (không phải vợ chồng) vốn bị cấm tại Arab Saudi, theo Bộ Ngoại giao Philippines.
Trở lại các quy định khắt khe cùng hình phạt tử hình của quốc gia Hồi giáo, Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết, Arab Saudi đã hành quyết 146 người trong năm 2017 và trở thành nước có số vụ tử hình cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Iran.
Ít nhất 4 người Indonesia đã bị xử tử tại Arab Saudi kể từ năm 2011. Trong khi đó, theo một báo cáo hồi tháng 3, có tới 20 người Indonesia khác đang phải đối mặt với án tử hình tại quốc gia sở tại.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, Indonesia hiện khó có thể chỉ trích các quốc gia khác duy trì hình phạt tử hình khi chính đất nước Đông Nam Á cũng đang thực hiện các hình phạt này. Dưới thời Tổng thống Joko Widodo, Indonesia đã tử hình 18 tội phạm liên quan đến ma túy, trong đó có cả người nước ngoài.
Vì thế, theo ông Hikmahanto Juwana - một chuyên gia về luật quốc tế tại Đại học Indonesia, trong trường hợp này, Indonesia chỉ có thể phản đối chính quyền Riyadh vì họ đã “vi phạm các quy tắc của quan hệ quốc tế” khi không thông báo cho Indonesia trước việc xử tử cô Tuti.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận