Sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo tự tổ chức họp báo và tự minh oan, đến nay 3 cơ quan quản lý lần lượt lên tiếng phủ nhận đã có kết luận cuối cùng về vụ việc.
Mới nhất, về phía Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trả lời VTC New cho biết các nghi vấn liên quan đến thông tin Asanzo gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn đang được tiếp tục làm rõ. Ông Cẩn khẳng định, các văn bản mới đây chưa thể xem là kết luận cuối cùng mà kết luận chính thức về Asanzo cần chờ đợi công bố chính thức từ cơ quan chức năng theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Bộ Công thương, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết trên báo Tuổi trẻ: Ngày 1/8/2019 cơ quan này đã gửi báo cáo tới Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia. Theo ông Linh, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất kỳ văn bản nào ghi nhận về việc ghi nhãn hàng hóa của Asanzo. Văn bản của Tổng cục chỉ đề cập đến tình trạng hoạt động của một số doanh nghiệp có làm ăn với Asanzo.
Trong số này, cơ quan quản lý thị trường đã xác minh có nhiều doanh nghiệp hoạt động nhưng địa chỉ không rõ ràng, không có thực hoặc thậm chí những công ty không hoạt động… song lại có giao dịch các thương vụ mua bán, nhập khẩu linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng điện gia dụng, điện tử lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Linh khẳng định, đến nay Bộ Công thương chưa đưa ra bất cứ kết luận hay thông tin nào về vụ việc.
Trong văn bản được ký bởi Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (SVN) Masashi Kubo gửi tới Báo Giao thông cuối tuần qua, SVN đã tố Asanzo giả mạo bằng chứng. SVN cho biết, nội dung mà Asanzo đưa ra “Sharp Roxy Hong Kong tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực" là không đúng sự thật.
Việc giả mạo chứng từ của Asanzo đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thương hiệu Sharp. Do đó, Tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu.
Bản báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường chỉ là một trong nhiều báo cáo của các đơn vị trực thuộc để Bộ Công thương căn cứ và có báo cáo tổng hợp gửi Bộ Tài chính và Chính phủ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 18/9, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng – Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng khẳng định chưa có kết luận cuối cùng về Asanzo và nhấn mạnh: “Hãy chờ cơ quan chức năng, đừng nghe ngoài lề những gì không chính thống”.
Trước đó, trong buổi họp báo ngày 17/9 vừa qua, Asanzo có trích dẫn các văn bản của cơ quan chức năng, trong đó có văn bản của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Asanzo cho biết, các cơ quan này đã thanh kiểm tra, có kết luận và gửi cho doanh nghiệp nhưng các cơ quan này không công bố nên buộc Asanzo phải công bố để "tự cứu lấy mình".
Theo Asanzo, báo cáo kết quả kiểm tra xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 đã “không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã tiến hành kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp".
Ngoài hai báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục Hải quan được Asanzo đề cập, chỉ có báo cáo của Tổ công tác của VCCI xác nhận các sản phẩm điện tử Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hoá "sản xuất tại Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" hoặc "sản xuất bởi Việt Nam" là đúng quy định pháp luật.
Như vậy, vụ việc liên quan tới Asanzo vẫn đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận