Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo kết nối Việt Nam và Lào.
Tăng trưởng tích cực hàng năm
Đánh giá kết quả của việc thúc đẩy giao thương qua cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và các nước ASEAN, Bộ Công thương cho biết: Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào, cùng với Thỏa thuận về thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác, đặc biệt là thương nhân biên giới. Từ đó, tạo thuận lời cho việc tiếp cận các thị trường xuất nhập khẩu của khối ASEAN.
Cụ thể, sau hơn 5 năm triển khai, Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam - Lào đã đạt được những kết quả tích cực, quan trọng về nhiều mặt. Việc xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư đã được tăng cường, triển khai thường niên, đi vào thực chất, phong phú về loại hình, hình thức tổ chức thực hiện.
Dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, các nhà đầu tư Việt Nam đã có 292 dự án với tổng số vốn đầu tư 5,1 tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư tại Lào. Tại 10 tỉnh biên giới của Lào, đã có 110 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Việt Nam với tổng số vốn là 2,7 tỷ USD. Các dự án trên đã góp phần vào sự tăng trưởng và thu ngân sách Lào cũng như mang lại nhiều lợi ích tích cực về kinh tế - xã hội góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội và công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ Lào.
Về phát triển mạng lưới chợ biên giới, đến nay đã xây dựng được 36 chợ, chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, trong quản lý và điều hành cửa khẩu biên giới, hiện trên tuyến biên giới Việt - Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn và có 8 khu kinh tế cửa khẩu.
“Các cửa khẩu, Khu kinh tế cửa khẩu được hình thành và ngày càng phát triển ổn định đã tạo động lực cho các hoạt động kinh tế thương mại, dịch vụ và đầu tư. Qua đó, nâng cao đời sống người dân của các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam – Lào. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với Lào đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại biên giới tuyến Việt - Lào tăng trưởng tích cực”, Bộ Công thương thông tin.
Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Lào cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt - Lào giai đoạn 2015-2019 đạt mức trung bình khoảng 13%/năm dù giai đoạn đầu có dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,123 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2014 (1,285 tỷ USD). Sang năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 823 triệu USD, giảm 27% so với năm 2015.
“Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm kim ngạch thương mại là do cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước chưa đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào một số mặt hàng chủ lực. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều yếu kém, nhất là hệ thống chợ và hạ tầng kĩ thuật, trong khi doanh nghiệp hai nước chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối của nhau”, Thương vụ phân tích.
Song, đến năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đã tăng trưởng trở lại, đạt gần 900 triệu USD, tăng hơn 8% so với năm 2016. Tiếp đến, năm 2018, kim ngạch đạt 1,032 tỷ USD, tăng 11,9%/năm so với cùng kỳ năm 2017 và cả năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,2 tỷ USD, tăng gần 13%, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai nước đã đặt ra trước đó.
Đối với thị trường Campuchia, việc thúc đẩy hợp tác qua cửa khẩu biên giới Việt – Campuchia cũng đã ghi nhận con số tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, theo báo cáo của thương vụ Việt Nam tại Campuchia, từ năm 2013-2016, kim ngạch thương mại song phương giảm sút, năm 2016 giảm sâu tới 13% so với năm 2015. Nhưng đến năm 2017, kim ngạch phát triển tốt, tăng 33% so với năm 2016, đạt 3,9 tỷ USD.
Đến năm 2018, thương mại song phương đạt 4,7 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kì. Năm 2019, hoạt động thương mại giữa Việt Nam - Campuchia diễn ra sôi động, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm 2018.
Trong đó, kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia đạt 4,362 tỉ USD, tăng 16,6% và kim ngạch hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia đạt 901 triệu USD giảm 6,4%, so năm 2018.
Tăng cường hợp tác, tháo gỡ khó khăn
Phía Bộ Công thương cũng cho rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và các Cơ quan hữu quan của Lào, Campuchia thì thương mại biên giới giữa hai nước có nhiều chuyển biến tích cực như: Thị trường được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng, kim ngạch trao đổi hàng hóa tăng với tốc độ cao. Các cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính được hai bên quan tâm cải thiện, tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho trao đổi hàng hóa qua biên giới giữa hai nước.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại được Chính phủ hai nước quan tâm đầu tư, nâng cấp. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật được chính quyền địa phương phối hợp ngăn chặn hiệu quả,...
Tuy vậy, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) Đỗ Quốc Hưng cho biết, theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp thì trong quá trình thực thi Hiệp định vẫn còn nhiều vướng mắc dù thương mại song phương đã đạt được đà tăng trưởng.
Theo đó, cách hiểu và thực hiện một số quy định của Hiệp định còn chưa thống nhất. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan thực thi trong việc miễn kiểm dịch đối với hàng hóa sản xuất tại các tỉnh biên giới Lào của nhà đầu tư Việt Nam khi nhập khẩu về Việt Nam.
Phó Vụ trưởng cũng cho rằng, đối với các hoạt động xúc tiến thương mại, đây là hoạt động cần thiết nhằm quảng bá sản phẩm và nâng cao nhận diện các sản phẩm của Việt Nam tại Campuchia, đặc biệt đối với các mặt hàng có thế mạnh của các tỉnh biên giới.
Do vậy, Phó Vụ trưởng Đỗ Quốc Hưng cho biết, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Cơ quan ban ngành của Campuchia và Lào, tăng cường tháo gỡ khó khăn và cùng các Sở Công thương tổ chức các hội nghị giao thương, chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa sản phẩm của Việt Nam tới thị trường Campuchia và Lào...
Khu vực ASEAN có nhiều đối tác thương mại “tỷ đô” với Việt Nam
Báo cáo từ Tổng cục Hải Quan cho thấy, sau 25 năm gia nhập ASEAN, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và các thành viên trong khu vực đã tăng cả chục lần. Kết thúc năm 2019, tổng kim ngạch đạt tới hơn 57 tỷ USD, gấp hơn 17 lần so với năm 1995 (năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN ). Trong đó, xuất khẩu đạt 24,96 tỷ USD, nhập khẩu đạt 32,09 tỷ USD.
Riêng năm 2019, khu vực ASEAN chiếm 9,4% kim ngạch xuất khẩu và 12,7% kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Tiếp đến, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực ASEAN nằm trong tác động chung và chịu tăng trưởng âm.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường ASEAN là điện thoại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Sản phẩm dệt may…Trong khi đó, nước ta nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị; Xăng dầu; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
Đáng chú ý, vài năm gần đây, Thái Lan và Indonesia đã trở thành các thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất của Việt Nam, vượt qua các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức…Hiện, khu vực ASEAN có nhiều đối tác thương mại “tỷ đô” với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận