Sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) có thể sẽ sớm được đầu tư nạo vét luồng từ nguồn vốn xã hội hóa |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa VN và các Vụ chức năng khẩn trương hoàn thiện dự thảo đề án, trong đó cần bổ sung một số loại hình dự án cụ thể huy động vốn xã hội hóa như: cải tạo cửa sông, biển; cải tạo, nắn thẳng các đoạn sông quanh co, gấp khúc để tạo luồng thẳng; xây dựng âu tàu (công trình thủy phục vụ phương tiện lưu thông); nạo vét luồng, cải tạo công trình cầu vượt sông để thông luồng; xây dựng cảng thủy nội địa công cộng; dự án đường bộ kết nối với giữa cảng thủy nội địa với các tuyến đường khác để kết nối các phương thức vận chuyển…
Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn từ sản phẩm tận thu (cát, sỏi, khoáng sản) trên luồng thực hiện dự án; thu phí sử dụng luồng, công trình; kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét và thu phí.
Liên quan đến vấn đề thu phí phương tiện để hoàn vốn cho nhà đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo nghiên cứu thu theo cả 2 hình thức là trực tiếp (thủ công) và bán thủ công (kết hợp giữa hình thức trực tiếp và công nghệ tự động). Đồng thời, khẩn trương xây dựng dự thảo thông tư quy định về hướng dẫn thu, nộp phí sử dụng hạ tầng đường thủy nội địa.
Theo tính toán của Cục Đường thủy nội địa VN, đến năm 2020, đường thủy cần 28.530 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng thủy (luồng trên sông, sông pha biển, cảng thủy) và cần 4.200 tỷ đồng để quản lý, bảo trì hạ tầng. Các dự án xã hội hóa sẽ được thực hiện theo hình thức thí điểm đối tác công –tư (PPP), BOT, BOO, BT.
Một số dự án sẽ được ưu tiên kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa như: nâng cấp tuyến kênh chợ Gạo giai đoạn 2, tuyến Vạn Gia – Ka Long, sông Hàm Luông, tuyến Việt Trì- Yên Bái, Lào Cai- Yên Bái, Ninh Bình- Thanh Hóa, thoái vốn nhà nước tại cảng Việt Trì, Ninh Phúc…
Hồng Xiêm
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận