Họa sĩ Nguyễn Văn Chung |
Ba thế hệ
Đại diện cho số 36 là họa sĩ lão thành Nguyễn Văn Chung, sinh năm 1936. Nếu có gì đặc trưng nhất về ông, thì đó là sự từng trải của thế hệ họa sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Thời trẻ (từ 1961-1968) ông lang bạt khắp nơi. Trung tuổi (từ năm 1979), ông đứng lớp trên giảng đường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cùng các bậc thày Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Trù… Sau đó là 2 thập kỷ làm trụ cột cho Bảo tàng Mỹ thuật. Biên độ lao động của họa sĩ Nguyễn Văn Chung trải từ nghiên cứu, đào tạo, quản lý tới sáng tác không ngừng nghỉ. “Tôi đi nhiều nơi, làm nhiều việc, hầu như chẳng mấy khi ở yên một chỗ”, họa sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận. Ông là hình mẫu cho lớp họa sĩ bước ra từ chiến tranh, xuất hiện ở mọi cột mốc của hội họa Việt Nam hiện đại với nguồn năng lượng rực lửa.
Đại diện cho số 59 là họa sĩ Đào Thành Dzuy con rể họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Giống như thế hệ họa sĩ sau đổi mới, Đào Thành Dzuy trải qua một giai đoạn vật lộn giữa biến thiên của xã hội và nghệ thuật nước nhà. “Đi lính trở về, tôi cũng như anh em nghệ sĩ thời đó trải qua thời bao cấp, làm đủ mọi việc có dính đến vẽ vời, từ thiết kế mỹ thuật tại Đoàn Chèo Hà Nội, làm nội thất…”. Tới năm 1991, cái tên Đào Thành Dzuy dần nổi lên ở các triển lãm cá nhân và tập thể, thành quen thuộc ở số 43 Tràng Tiền, 29 Hàng Bài - các thánh đường hội họa thời đó. Khi cơn bão của các trường phái phương Tây ập về, ông là một trong số ít họa sĩ thoát xác thành công để rồi mở ra đường vươn tới các sân chơi quốc tế tại Malaysia, Hong Kong.
Người sinh năm 74 là họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu, con út của họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Anh là điển hình cho thế hệ họa sĩ hiện đại được “thả rông” về mọi mặt. Bản thân cha anh cũng nói: “Tôi không can thiệp, cũng chẳng định hướng cho con trai. Tự do nghệ thuật mỗi người khác nhau, dù tôi biết nó cũng có khiếu”. Theo đó, Trung Hiếu cũng vẽ, nhưng dần uốn mình theo nghiệp thiết kế mỹ thuật báo chí. Con đường anh đi, vì vậy có thể nói giống mà không giống với những người đi trước.
Tác phẩm “Trăng trên cồn cát” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung |
Mỗi người một vẻ
Khi đứng chung trong triển lãm 36 -59 -74, phong cách của ba người của không ai giống ai. Về cơ bản, họa sĩ Nguyễn Văn Chung khoác chiếc áo nghệ thuật chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (réalisme Scialiste). Thời kỳ đầu đi thực tế chiến trường liên miên, ông gắn liền với các hình tượng dân quân, nông dân, o du kích…; tạo ra các tác phẩm tái hiện hơi thở một thời như: Trăng trên cồn cát, Trong lán dân quân, Khâu nón. Sau năm 1980, ông chuyển sang quản lý nên: “Thời gian eo hẹp hơn, hiếm lúc rảnh rỗi. Phải tranh thủ ngày nghỉ để vẽ” nhưng ông vẫn lựa chọn trở về các chủ đề vĩnh cửu như tĩnh vật, chân dung.
Theo đó, họa sĩ Nguyễn Văn Chung hầu như nói không với cách điệu, lập thể bởi chúng không ăn rơ cùng tôn chỉ tôn trọng bố cục tạo hình cực kì chặt chẽ của ông. Mọi khoảng thừa thiếu, khống chế màu sắc, nét dày nét mỏng đều phải được làm tỉ mẩn. Như bức Khâu nón vẽ năm 1980, theo ông phân tích là: “Phải bố trí từng chiếc nón sao cho vành nón đan nhau tạo thành đường cong, nhịp điệu”. Cũng vì vậy, thường thấy họa sĩ Nguyễn Văn Chung ra tay ở các chất liệu truyền thống như sơn dầu, tranh lụa, ký họa nhiều hơn.
Tác phẩm “Hoa đại” của họa sĩ Đào Thành Dzuy |
Trong khi đó, nổi lên trong thời kì giao thoa các trường phái mới - cũ, họa sĩ Đào Thành Dzuy có sự trung dung giữa Đông - Tây, tân - cổ. Ông ưa thích các đề tài mang mỹ cảm tinh tế kiểu văn hóa phương Đông như hoa cỏ, phố phường… song cũng không ngại ngần khám phá tranh nude, khai thác vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ. “Phong cách của tôi về cơ bản là trên nền hiện thực. Nhưng tôi cũng vẽ trừu tượng và trải nghiệm cả hai phong cách đó song hành cùng nhau”, Đào Thành Dzuy thừa nhận. Có lẽ vì thế, ông là trường hợp hiếm hoi dám thử nghiệm kỹ thuật màu nước phương Tây trên chất liệu không phải lụa hay toan, mà là giấy dó. Giới mỹ thuật cách đây một năm còn kinh ngạc trước loạt tranh Sen của Đào Thành Dzuy, khi đề tài tĩnh vật cổ điển lại được tái hiện trong không gian màu sắc hoàn toàn mới lạ.
Ở điểm chốt, Nguyễn Trung Hiếu có lẽ là nhân tố hiện đại nhất trong cả gia đình. Kỳ thực, Trung Hiếu không dành nhiều thời gian cho sáng tác, đúng như cách anh thừa nhận: “Tôi vẽ chỉ như là dạo chơi”. Theo đó, tranh của Trung Hiếu thường là những thử nghiệm cảm xúc có tính phá cách, tỉ mỉ như tranh nude với màu da khác thường trong bức Đêm xanh là điển hình. Và nếu 2 người đi trước có sự chú trọng vào bố cục chặt chẽ, không thừa lấy một khoảng hở, Nguyễn Trung Hiếu lại có sự cách điệu hình khối khôn lường.
Tác phẩm “Đêm Xanh” của họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận