Muốn hay không muốn, chúng ta cũng phải chuẩn bị mở cửa đón khách trở lại. Đây là mong muốn không chỉ riêng ngành du lịch mà còn của cả nền kinh tế khi dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát.
Tuy nhiên nhìn lại cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét cẩn trọng, vì nếu thực hiện nôn nóng rất có thể sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh lâu dài điểm đến Việt Nam. Khi đó, chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều so với nguồn thu được trong ngắn hạn…
Gần 2 năm qua, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19
Để yên tâm đảm bảo điều kiện mở cửa đón khách, ngay lúc này, Tổng cục Du lịch cần phải thực hiện 3 việc.
Thứ nhất, cần kết hợp với Bộ Y tế để đồng bộ quy định cấp “Thẻ xanh Covid-19”, trước mắt thí điểm tại các thị trường đón khách trọng điểm của du lịch Việt.
Thứ hai, có thể chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan du lịch tại các thị trường, để điều tra thông tin về tâm lý, hành vi, nhu cầu du lịch hậu Covid-19 của du khách.
Trên cơ sở đánh giá khách quan đó, lựa chọn những điểm đến an toàn, thông tin cập nhật tới các DN lữ hành để điều chỉnh sản phẩm dịch vụ cho phù hợp.
Thứ ba, phải phối hợp với địa phương và Bộ Y tế đảm bảo các điều kiện chắc chắn cộng đồng tại những điểm đưa khách đến phải được an toàn.
Muốn hay không ngành du lịch cũng không thể thay ngành y tế về mặt chuyên môn phòng dịch. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ và quyết liệt hơn để tránh chậm chân, mất cơ hội.
Như vậy, nếu thiếu 1 trong 3 điều kiện trên mà vẫn mở cửa, tôi cho rằng sẽ là quyết định vội vàng và chủ quan.
Nhìn lại thời gian qua, dù đã được coi là ngành mũi nhọn, chịu tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng khi thực hiện chính sách hỗ trợ, ngành du lịch lại không được ưu tiên tập trung theo thứ tự gây lãng phí nguồn lực, trong khi ngân sách đang khó khăn.
Chính vì vậy, ngay lúc này Bộ VH-TT&DL phải rà soát lại năng lực của cả hệ thống DN lữ hành và dịch vụ lưu trú.
Từ đó mới lên kế hoạch phân loại chi tiết xem DN nào có đủ nguồn lực, khả năng phục hồi nhanh sẽ cho ưu tiên chạy trước; không thể cứ ngồi chờ hỗ trợ của Nhà nước mới làm.
Cụ thể, DN muốn tham gia các tour thí điểm, cần phải tự cân đối, ký cam kết có khả năng đón được bao nhiêu khách, hiệu quả ra sao?
Cùng với nội lực sẵn có cộng với chính sách hỗ trợ ưu tiên, mới tạo thành những ngọn lửa đủ mạnh và nhanh phá băng thị trường.
Kinh nghiệm các nước xung quanh cho thấy, tùy vào nguồn lực ngân sách, quan điểm khác nhau nên mỗi quốc gia có cách thức hỗ trợ khác nhau để phục hồi ngành du lịch.
Có những nguồn hỗ trợ từ vật chất nhưng cũng có cách hỗ trợ về tinh thần không kém quan trọng.
Cụ thể, tại Thái Lan, hình ảnh Thủ tướng ra tận sân bay đón khách, bên cạnh việc thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cũng tạo niềm tin, sự yên tâm cho du khách.
PGS. TS. Phạm Trung Lương
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận