Điều tra

Bà Hứa Thị Phấn và đường dây rút ruột ngân hàng Đại Tín

16/10/2019, 13:48

Đang chịu nhiều án trong các vụ đại án, thế nhưng bà trùm Hứa Thị Phấn tiếp tục bị truy tố rút ruột thêm nhiều ngàn tỷ khác.

img
Bà Hứa Thị Phấn là người liên quan đến các đại án

Viện KSND Tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố bị can Hứa Thị Phấn và 5 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (NH Đại Tín).

Theo cáo trạng, bà Phấn nắm giữ 84,92% vốn điều lệ, cổ đông lớn của NH Đại Tín để thâu tóm và chỉ đạo toàn bộ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên tại NH.

Cụ thể, bà Phấn đã chỉ đạo cấp dưới đầu tư mua 4 căn nhà tại TP.HCM số 10 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé Q.1 (hiện đang là trụ sở của CB hiện nay, tài sản này cũng đang bị kê biên), số 422 B Nguyễn Thị Minh Khai, P.5 Q.3; số 409 Sư Vạn Hạnh P.2 Q.10, số 30 Quang Trung (phường Vạn Thắng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Song song đó, bà Phấn lập ra các doanh nghiệp sân sau của mình như Công ty CP địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn, Công ty cổ phần địa ốc Lam Giang…

Các công ty này được bà Phấn giao cho nhân viên, và con cháu điều hành công ty trong đó có Huỳnh Thị Xuân Dung (cháu bà Phấn), Bùi Thị Kim Loan… Từ đây Dung và Loan giúp bà Phấn đứng tên các căn nhà trên sau đó nâng khống gấp trăm lần giá trị thực bán để bán lại cho NH Đại Tín.

Phần thủ tục phía nhà băng, bà Phấn giao cho Lâm Hứa Huỳnh Trinh, cán bộ cao cấp tại TrustBank và Phạm Hồng Hảo (cháu bà Phấn) phụ trách.

Đồng thời, thông qua Công ty Hồng Đức và Công ty Năm thành viên sử dụng thông tin thẩm định giá thiếu căn cứ và không có cơ sở để thẩm định giá và nâng khống giá trị 4 bất động sản. Ở phía trên, trong các phiên họp với các cựu lãnh đạo NH là ông Hoàn Văn Toàn, cựu chủ tịch và ông Trần Sơn Nam cựu tổng giám đốc… thông qua.

Tổng giá trị 4 bất động sản này đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 4 bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng. Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, tổng số tiền Hứa Thị Phấn chiếm đoạt của NH Đại Tín là hơn 1.338 tỉ đồng.

Ở giai đoạn 1, tại phiên phúc thẩm, bà Phấn đã bị TAND tối cao tại TP.HCM tuyên y án vì đã cùng các cựu lãnh đạo NH thao túng rút ruột gần 6.400 tỷ đồng.

Trước đó vào tháng 5/2018, phiên phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên y án 17 năm tù đối với bà Phấn về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, trong đại án vụ án liên quan tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank). Về dân sự, tòa buộc bà Phấn bồi thường cho Oceanbank 500 tỷ đồng.

Ngày 2/11/2018, phiên phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM cũng tuyên y án bà Phấn mức án 30 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trustbank. Về dân sự tòa buộc bà Phấn phải bồi thường cho Trustbank (tiếp quản là CB hiện nay) hơn 16.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 6/8/2018, phiên phúc thẩm TAND TP.HCM xét xử "đại án" Phạm Công Danh, Trầm Bê giai đoạn 2, toà tuyên bà Phấn bồi thường cho Ngân hàng CB số tiền 600 tỷ đồng.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, bà Phấn đã bị khởi tố, truy tố lần thứ 5 và là người đang chịu trách nhiệm hình sự của ba bản án khác. Hàng loạt những người giúp sức cho bà Phấn chiếm đoạt tiền của ngân hàng đã và đang lần lượt được đưa ra xét xử trong các giai đoạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.