Không có ngày nghỉ sau ASIAD
Phải khá khó khăn chúng tôi mới sắp xếp được cuộc hẹn với nữ võ sĩ karate Nguyễn Thị Phương. Cô chia sẻ, ngay sau khi trở về Việt Nam, cô không nghỉ ngày nào mà bắt tay vào tập luyện cho các giải đấu quan trọng sắp tới.
"Đến lúc này, tôi vẫn đang hạnh phúc khi chiến thắng tại AISAD 19. Nhưng chúng tôi đang chuẩn bị dự giải karate vô địch quốc gia và vô địch thế giới. Tôi đang rất quyết tâm giành chức vô địch thế giới nên thời gian này càng không thể cho phép mình được thả lỏng", nữ võ sĩ 23 tuổi chia sẻ.
Phương vẫn tập luyện đầy hăng say và rất quyết tâm ở giải vô địch thế giới diễn ra từ 21/10. Nhưng có lẽ tôi vẫn phải điều chỉnh, giảm cường độ tập luyện cho em sau giải vô địch quốc gia khởi tranh trong tuần này bởi nếu kéo căng quá thì dễ khiến em bị stress. Thời gian đến giải thế giới không còn đủ để cải thiện thể lực hay kỹ thuật, quan trọng nhất là bài toán tâm lý.
HLV Nguyễn Hoàng Ngân
Trò chuyện cùng Báo Giao thông, Phương cho biết, cô nhận thấy mình vẫn còn một số thiếu sót: "Có những đoạn trong bài quyền cần cải thiện thêm về tốc độ. Nếu làm được tôi tin khả năng cạnh tranh huy chương ở các giải đấu của mình sẽ tăng lên".
Trong khi đó, HLV Nguyễn Hoàng Ngân, người trực tiếp dìu dắt Phương ở đội tuyển karate thì cho rằng, học trò của mình rất có ý chí vươn lên, cộng thêm ý thức tập luyện không ngại khó, ngại khổ nên thành công cũng là điều dễ hiểu.
"Tôi chưa bao giờ thấy Phương kêu khó, mọi giáo án, bài tập em đều làm rất tốt cùng sự tập trung cao độ. Nhờ vậy khả năng chuyên môn của em được tích lũy không ngừng. Tấm HCV ASIAD vừa rồi là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của Phương", nữ HLV chia sẻ.
HLV Nguyễn Hoàng Ngân cũng tâm sự, khi còn thi đấu, bà chưa thể giành HCV ASIAD nên việc học trò làm được khiến bà rất toại nguyện: "Có thể coi đây như một sự tiếp nối, hoặc văn hoa hơn là các em đã giúp tôi viết tiếp giấc mơ của mình. Làm HLV, không gì hạnh phúc hơn khi được chứng kiến học trò trưởng thành".
Ở phía ngược lại, nữ võ sĩ vừa lên ngôi tại Á vận hội Hàng Châu bộc bạch, HLV Hoàng Ngân không chỉ là người thầy mà còn như một người mẹ, người bạn luôn sát cánh và chia sẻ cùng VĐV. "Trong lúc tập luyện cô rất nghiêm khắc nhưng ngoài cuộc sống cô lại rất gần gũi. Không có cô, tôi không thể có ngày hôm nay. Trước đây tôi ham chơi, hấp tấp, nóng nảy, nhờ cô mà tôi đã chín chắn, tỉ mỉ và điềm tĩnh hơn không chỉ trong công việc", cô nói.
Nhắc về HLV Hoàng Ngân, võ sĩ sinh năm 2000 kể lại kỷ niệm mà theo cô sẽ không thể nào quên: "Ở nhà tôi được bố mẹ chiều, nên khi tập luyện mệt mỏi, áp lực thì có thái độ phụng phịu, vùng vằng. Thế là bị cô đuổi về nhà, trước thềm ASIAD 18. Sau đó, tôi phải nhờ bố mẹ lên xin cô cho trở lại đội. Cũng may cô không đuổi luôn!".
Bén duyên karate từ khi 12 tuổi nhưng bố mẹ Phương thời điểm đó chỉ muốn con gái tập luyện để tăng cường sức khỏe và tự bảo vệ mình. Nhưng dường như karate đã trở thành niềm đam mê bất tận với cô.
Với những thành tích ở các giải đấu trẻ, năm 2014, Phương đã có tên ở đội tuyển trẻ để bắt đầu hành trình chinh phục những tấm huy chương. Tới giờ, cô thậm chí còn không nhớ hết mình đã từng giành bao nhiêu tấm huy chương. Tuy nhiên, tấm huy chương khắc đậm trong tâm trí cô nhất lại không phải màu vàng.
"Tại SEA Games 30, tôi đã nỗ lực biểu diễn nội dung kata (quyền cá nhân) nhưng chỉ được HCB, kém đối thủ Indonesia giành HCV vỏn vẹn 0,01 điểm. Lần đó thi có động tác tôi chưa thực sự tuân thủ chỉ đạo của cô Ngân nên khi thất bại tôi buồn lắm, gục vào vai cô khóc rồi xin lỗi. Đây cũng là bài học lớn trong sự nghiệp của tôi", võ sĩ 23 tuổi nhớ lại.
3 lần vào danh sách bị loại
Nhìn Nguyễn Thị Phương mạnh mẽ, dứt khoát, ánh mắt sắc lẹm trên sân đấu, ít ai ngờ trước đây cô từng 3 lần suýt bị loại khỏi đội tuyển vì thiếu cân nặng. Khi mới vào đội tuyển, cô chỉ nặng 39kg nên có tới 3 lần nằm trong danh sách bị loại vì không đảm bảo tiêu chuẩn. Mỗi lần như vậy, các HLV lại xin cho cô được đặc cách.
Cũng bởi thể hình nhỏ mà khi được gọi lên đội tuyển, bố mẹ cô đều không đồng ý, sợ con vất vả. Phải nhờ tới sự tác động của ông bà, các bác trong nhà, Phương mới được đi tập chuyên nghiệp.
VĐV thi đấu đỉnh cao, với lịch trình dày đặc sẽ không tránh khỏi chấn thương. Có những thời điểm chấn thương cộng áp lực thành tích ập tới khiến tôi cảm thấy khó thở. Nhưng tôi chưa khi nào nghĩ mình sẽ từ bỏ mà luôn tìm cách vượt qua. Khi đã vượt qua rồi thì nếu lần sau gặp phải tôi cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Võ sĩ Nguyễn Thị Phương
Nhưng không yên tâm với con gái nên dù nhà ở tận Mê Linh mà giai đoạn đầu gần như tuần nào bố cô cũng lặn lội sang Nhổn, nơi đặt Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia để thăm con. Chẳng những vậy, mỗi lần sang, bố đều nấu rất nhiều đồ ăn để cô tẩm bổ thêm.
"Đuôi lợn hầm đỗ đen, bò hầm, tôm hấp là những món bố hay nấu mang tới cho tôi. Bố bảo ăn cho mau lớn, cứng gân cốt còn tập luyện. Sau này, tôi đã quen với cuộc sống xa nhà, bố ít sang hơn nhưng định kỳ trước các đợt thi đấu, bố vẫn vào bếp phục vụ con gái", nhà vô địch ASIAD hào hứng kể.
Nữ võ sĩ còn cho hay, bố mẹ luôn là hậu phương vững chắc để cô yên tâm tập luyện. Mỗi khi có vấn đề gì cô đều chia sẻ, xin ý kiến bố mẹ: "Bố mẹ tôi suy nghĩ khá tân tiến, muốn trở thành bạn của con nên tôi cũng không bị suy nghĩ gì ngăn cách, sẵn sàng coi bố mẹ là hai người bạn. Tôi đang ấp ủ dự định đưa bố mẹ đi du lịch nước ngoài, ở những quốc gia tôi từng đến thi đấu để bố mẹ có thêm trải nghiệm".
Trong giới thể thao, nhất là ở các môn võ, nữ VĐV thường rất cá tính. Nhưng khi gặp Phương, chúng tôi cảm nhận được sự nhẹ nhàng ở cô. Cô bảo luôn cố gắng để giao tiếp một cách nhẹ nhàng, văn minh. "Mình tập võ đâu phải để đánh nhau. Nhưng nếu bị bắt nạt thì tôi sẵn sàng phòng vệ", Phương tếu táo.
Càng ngạc nhiên hơn khi cô nói mình có khá nhiều váy vóc và sẵn sàng điệu đà khi cần: "Con gái mà, dù thế nào cũng nên chăm sóc cho bản thân mình. Tôi gần như quanh năm suốt tháng tập luyện, mặc đồ thể thao nhưng tủ quần áo cũng sẵn nhiều váy, áo để diện những dịp phù hợp".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận