Pháp đình

Bà Nguyễn Phương Hằng được đưa tới phiên phúc thẩm các bị cáo liên quan

04/04/2024, 11:41

Sáng 4/4, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng. Phiên tòa được mở ra do có đơn kháng cáo của các bị cáo Đặng Anh Quân, Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Nhi và Huỳnh Công Tân.

Các bị cáo bị xét xử về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Riêng bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo, hiện đang thi hành án tại một trại giam trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trong phiên tòa hôm nay, bà Nguyễn Phương Hằng được dẫn giải đến với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Bà Nguyễn Phương Hằng được đưa tới phiên phúc thẩm các bị cáo liên quan- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng được trích xuất từ nơi giam giữ đưa đến phiên tòa sáng 4/4.

Sau khi thẩm tra lý lịch các bị cáo, chủ tọa phiên tòa công bố thành phần HĐXX. Bà Đinh Thị Lan (là người được xác định có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) yêu cầu thay đổi thẩm phán Huỳnh Minh Duyên với lý do trong phiên tòa phúc thẩm lần 1, bà Huỳnh Minh Duyên đã trả lời bà Đinh Thị Lan không phải là bị hại trong vụ án.

Trước đề nghị này, phía Viện kiểm sát (VKS) nhận định, lý do xin thay đổi thẩm phán phiên tòa của bà Đinh Thị Lan là không phù hợp với quy định của phiên tòa, nên đề nghị HĐXX không chấp nhận.

Chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa để hội ý.

Sau khoảng 15 phút, Chủ tọa cho rằng, nhận thấy nội dung thay đổi và lý do bà Lan trình bày không thuộc Điều 49, Điều 53 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, HĐXX không chấp nhận đề nghị thay đổi thẩm phán của bà Lan.

Trước đó, ngày 21/9, TAND TP.HCM tuyên phạt bà Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù giam; Đặng Anh Quân 2 năm 6 tháng tù. Ba bị cáo còn lại Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân mỗi người bị 1 năm 6 tháng tù.

Các bị cáo bị tuyên án cùng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo hồ sơ vụ án, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của 10 cá nhân.

Các cá nhân đó gồm: Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sỹ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (nhà báo, luật sư), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sỹ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sỹ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.

Quá trình điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng thừa nhận đã phát ngôn xúc phạm các cá nhân trên.

Đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích "câu like", tăng thu nhập, CQĐT Công an TP.HCM và các đơn vị chức năng liên quan đang xác minh, làm rõ để xử lý.

Ba bị cáo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân dù không có mâu thuẫn với những cá nhân trên nhưng do là nhân viên và hưởng lương của Nguyễn Phương Hằng nên liên tục thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị can Hằng.

Công an TP.HCM xác định, Nhi, Hà, Tân đã thực hiện các nhiệm vụ đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; In các nội dung mà bị cáo Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị can Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; Chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của Nguyễn Phương Hằng.

Ba bị cáo này còn tham gia dẫn chương trình trong các buổi livestream, thông báo số lượng người xem, đọc các bình luận trên livestream phát trực tiếp...

Đối với bị can Đặng Anh Quân, nhà chức trách xác định người này đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng Nguyễn Phương Hằng.

Trong các buổi livestream này, Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.