Mặt đường băng bong bật, lún nứt, nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng
1/3 số chuyến bay đi/đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng
Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay: Trong thời gian đóng cửa, dự kiến sẽ có khoảng 1/3 số slot tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị ảnh hưởng, do đó chắc chắn sẽ tác động ít nhiều đến kế hoạch bay của các hãng, việc đi lại của người dân, chất lượng dịch vụ…
Để giảm thiểu ảnh hưởng, ACV sẽ lên kế hoạch cụ thể, lựa chọn thời gian thấp điểm để đóng cửa đường băng, thông báo cho hãng hàng không để chủ động kế hoạch khai thác.
Đối với 1/3 số slot bị cắt giảm, Hội đồng slot sẽ phải ngồi lại để quyết định cắt giảm những slot nào, ưu tiên slot nào và phân bổ lại slot cho hợp lý.
CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vừa phải tạm ngừng khai thác đường cất/hạ cánh 25R/07L để sửa chữa gấp cũng như tẩy vết cao su, sơn bảo trì tín hiệu, kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay. Quyết định này được đưa ra sau khi TCT Cảng hàng không VN (ACV) - đơn vị đang quản lý, khai thác 21 CHK trên cả nước - phát hiện bề mặt bê tông nhựa tại đầu đường cất/hạ cánh này bị lún, nứt ngang, nứt dọc, bong tróc rất nhiều, nguy cơ uy hiếp an toàn rất cao.
Việc phải đóng cửa đường băng tạm thời để sửa chữa không phải là quá lạ tại Tân Sơn Nhất. Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt nhiều lần khẳng định “nguy cơ mất an toàn do sự xuống cấp rất nghiêm trọng của 2 đường cất/hạ cánh tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là rất lớn, không biết sẽ phải đóng cửa, không thể khai thác vì xuống cấp lúc nào”.
Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết: “ACV thường xuyên phải thực hiện duy tu, sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn khai thác theo nguyên tắc hỏng đâu sửa đó”. Hàng tuần, DN này đều phải có báo cáo Cục Hàng không VN về tình hình của 2 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Thông tin thêm, ông Thanh cho hay, kết quả khảo sát hư hỏng đường băng 25R/07L tại Tân Sơn Nhất từ năm 2017 cho thấy, chỉ số trạng thái mặt đường (PCI) trung bình là 48, mức độ xấu. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO, chỉ số PCI từ 40 - 55 là đã cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn.
Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế nguồn vốn đầu tư nên đến nay ACV không thể có kế hoạch, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp quy mô lớn. Đáng nói, sau 2 năm (từ năm 2017 đến nay), việc khai thác liên tục với số lần cất/hạ cánh ngày càng tăng đã khiến đường băng tại Tân Sơn Nhất “hỏng càng thêm hỏng”.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra với đường băng 1B (11R/29L) tại Nội Bài khi mặt đường băng bị bong bật, vỡ nứt, phùi bùn… Đường cất/hạ cánh 1A và các đường lăn nối bằng bê tông nhựa bị hằn lún vệt bánh tàu bay và rạn nứt cục bộ một số vị trí.
“Việc cải tạo, nâng cấp tổng thể hệ thống đường cất/hạ cánh, đường lăn tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất là hết sức cấp bách, cần phải thực hiện ngay để đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng điều kiện khai thác cho các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900 hoặc B787-9…”, ông Thanh nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho biết, việc đóng cửa một đường băng tại Tân Sơn Nhất hoặc Nội Bài để nâng cấp sửa chữa là bình thường. Thực tế, các đường băng tại đây đã từng được đóng cửa để sửa chữa.
Thông thường, cơ quan chức năng sẽ lên một kế hoạch cụ thể trước cả năm, thông báo trước cho các đơn vị liên quan, đặc biệt là hãng hàng không để kịp thời điều chỉnh kế hoạch bay cho phù hợp. Thời gian sửa chữa cũng sẽ vào mùa thấp điểm, thường từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm để hạn chế tối đa ảnh hưởng.
Cần 4.152 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo khu bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài
Siêu Ủy ban ủng hộ phương án tăng vốn Nhà nước tại ACV
Về đề xuất cơ chế, nguồn vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp 2 đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nguồn tin của Báo Giao thông cho hay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN vẫn chưa có phản hồi gì.
Tuy nhiên, liên quan đến phương án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư quản lý (trong đó có khu bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất), Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà đã có văn bản gửi Bộ GTVT ủng hộ phương án giao tài sản khu bay cho ACV quản lý theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV thông qua việc tăng vốn điều lệ của ACV trên cơ sở cổ đông Nhà nước góp vốn bằng tài sản khu bay.
Việc này được thực hiên sau khi thực hiện định giá, đánh giá lại giá trị tài sản khu bay đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị tài sản của Nhà nước.
Theo tính toán của ACV, tổng nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống khu bay CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó trọng tâm là việc cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L, bằng kết cấu mặt đường bê tông nhựa là 1.876 tỷ đồng. Đối với CHK quốc tế Nội Bài, nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu bay với ưu tiên số 1 là nâng cấp đường cất/hạ cánh 11R/29L (1B) bằng kết cấu bê tông nhựa là 2.276 tỷ đồng.
Trong khi chờ cơ chế quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong bối cảnh ngân sách Nhà nước không có kế hoạch cấp vốn cho 2 dự án này, ACV đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý, khai thác trong giai đoạn từ năm 2019 đến khi Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được phê duyệt, để đầu tư.
Trong trường hợp còn thiếu, ACV sẽ tạm ứng bằng nguồn tiền tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV, có tính yếu tố sử dụng vốn với chi phí sử dụng theo lãi suất tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn.
Theo Cục Hàng không VN, kể từ thời điểm cổ phần hóa đến nay, ACV vẫn đang tiếp tục được giao tạm quản lý, khai thác, duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu bay và hạch toán thu - chi riêng. Được biết, khoản tiền chênh lệch thu - chi khu bay đến hết ngày 31/12/2018 và một phần năm 2019 vào khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Phía ACV, Chủ tịch Lại Xuân Thanh cho hay, đến ngày 31/12/2018, DN này đang có sẵn hơn 24,2 nghìn tỷ đồng để phục vụ cho hoạt động đầu tư tất cả các cảng hàng không hiện do ACV đang quản lý. Với tổng nguồn tiền được tích lũy từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2019 - 2025 lên tới 84.762 tỷ đồng, ACV khẳng định là sẽ đảm bảo cân đối đủ nguồn tiền để bổ sung phần chênh lệch thiếu còn lại để thực hiện 2 dự án.
Cũng theo ông Thanh, việc xử lý nguồn vốn do ACV tạm ứng sẽ thực hiện theo Đề án giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong trường hợp được Thủ tướng đồng ý điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV, giá trị ACV đã đầu tư vào 2 dự án sẽ được tăng tài sản tại ACV theo quy định. Trường hợp không điều chuyển tài sản khu bay cho ACV, phần vốn đầu tư mà doanh nghiệp tạm ứng sẽ được Nhà nước hoàn trả từ nguồn chênh lệch thu chi khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, để có thể ứng vốn đầu tư cho 2 dự án, ACV cho biết vẫn cần được các cơ quan có thẩm quyền thông qua 3 cơ chế pháp lý cần thiết xử lý những vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Luật Đầu tư công năm 2017.
Cụ thể, theo ACV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định chủ trương đầu tư và giao Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư; đồng thời cho phép sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay kết hợp với vốn tạm ứng từ nguồn tiền tích lũy từ sản xuất kinh doanh của ACV để đầu tư cho 2 dự án.
Cùng với việc thực hiện chức năng cấp quyết định đầu tư, giao ACV là chủ đầu tư, Bộ GTVT sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai 2 dự án đặc thù này. ACV sẽ đảm nhận nhiệm vụ chủ đầu tư 2 dự án và theo dõi, hạch toán riêng hoạt động đầu tư 2 dự án này.
Bộ GTVT đề xuất 3 phương án
Khẳng định sự cấp thiết đầu tư, nâng cấp khu bay tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ 3 phương án bố trí vốn đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn của 2 sân bay này, gồm sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng vốn ACV và phương án sử dụng nguồn chênh lệch thu - chi từ khai thác tài sản khu bay do ACV đang tạm quản lý (ACV đề xuất).
Với phương án sử dụng vốn đầu tư công, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 950 tỷ đồng. Phần vốn còn lại sẽ bố trí kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.202 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện.
Trong trường hợp sử dụng nguồn vốn của ACV, theo Bộ GTVT, hiện nay, Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; trong đó, có phương án giao ACV quản lý, khai thác tài sản khu bay theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV, giá trị ACV đã đầu tư vào 2 dự án này sẽ được tăng tài sản tại ACV theo quy định.
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận điều chuyển tài sản khu bay từ Bộ GTVT sang ACV theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại ACV, khi đó phần vốn đầu tư ACV đã tạm ứng cho 2 dự án này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho ACV (từ nguồn chênh lệch thu - chi khai thác tài sản khu bay những năm tiếp theo hoặc theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Tuy nhiên, với trường hợp này, Bộ GTVT cũng khẳng định việc sử dụng vốn của ACV để đầu tư là không phù hợp với Khoản 6 Điều 16 Luật Đầu tư công năm 2019 là “yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản”.
Cần bao lâu để nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất?
Theo tính toán của ACV, thời gian triển khai từ bước chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng đối với CHK quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 23,5 tháng và đối với CHK Nội Bài khoảng 26,5 tháng (tính từ khi phương án bố trí nguồn vốn đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt).
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư mất khoảng 1,5 tháng bao gồm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi 0,5 tháng (hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã được ACV lập năm 2017) và 1 tháng thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.
Trong giai đoạn thực hiện đầu tư, dự kiến với Tân Sơn Nhất sẽ cần 22 tháng và Nội Bài cần khoảng 25 tháng.
Cụ thể, tại Tân Sơn Nhất, sẽ cần 6 tháng thực hiện thiết kế, lựa chọn nhà thầu và xin cấp phép xây dựng; 16 tháng thi công xây dựng công trình. Trong đó, đường cất/hạ cánh 25R/07L, các đường lăn tiếp giáp và xây dựng các đường lăn chờ phía Bắc thi công trong 4 tháng (vào mùa thấp điểm từ tháng 8 đến tháng 12 trong năm). Trong thời gian thi công đóng cửa đường cất/hạ cánh 25R/07L.
Đường lăn thoát nhanh giữa 2 đường cất/hạ cánh và đường lăn song song phía Nam thi công trong thời gian 16 tháng.Trong thời gian thi công không đóng cửa đường cất/hạ cánh.
Tại Nội Bài, sau 6 tháng thực hiện thiết kế, lựa chọn nhà thầu và xin cấp phép xây dựng, sẽ cần 19 tháng thi công. Trong đó, đường cất/hạ cánh 1B đoạn từ S7 đến S2 và các đường lăn tiếp giáp thi công trong 4 tháng (vào mùa thấp điểm từ tháng 8 đến tháng 12 trong năm).
Trong thời gian thi công đóng cửa đường cất/hạ cánh 1B đồng thời với đường cất/hạ cánh 25R/07L tại Tân Sơn Nhất. Đường cất/hạ cánh 1A và các đường lăn tiếp giáp thi công trong thời gian 4 tháng (vào mùa thấp điểm từ tháng 8 đến tháng 12 trong năm tiếp theo). Trong thời gian thi công đóng cửa đường cất/hạ cánh 1A.
Các khu vực còn lại bao gồm đường cất/hạ cánh 1B đoạn từ S7 đến đầu 11R và đoạn từ S2 đến đầu 29L và các đường lăn tiếp giáp: Thi công trong thời gian 11 tháng (ngoài thời gian thi công 02 khu vực nêu trên). Trong thời gian thi công không đóng cửa đường cất/hạ cánh, khai thác dịch ngưỡng đường cất/hạ cánh 1B.
Với kế hoạch triển khai nêu trên, nếu phương án nguồn vốn đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt trong đầu tháng 1/2020, thì việc đóng cửa đường cất/hạ cánh 25R/07L tại Tân Sơn Nhất và đường cất/hạ cánh 11R/29L tại Nội Bài để cải tạo, nâng cấp sẽ được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 12/2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận