Trong thời gian gần đây, nhằm tăng cường kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các cơ quan liên quan đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với các thách thức từ không gian mạng.
Mục đích để cảnh báo đến người dân, chủ động phòng chống lừa đảo qua mạng.
Theo Cục An toàn thông tin, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các đối tượng xấu đã lợi dụng để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Những kẻ lừa đảo thường sử dụng thủ đoạn tinh vi, khai thác tâm lý con người, tạo dựng niềm tin và dẫn dắt nạn nhân theo các kịch bản sắp đặt trước.
Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục An toàn thông tin đã nhận được hơn 22.200 phản ánh về lừa đảo trực tuyến từ người dùng Internet qua Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân, từ cơ bản đến nâng cao, được xem là phương án quan trọng giúp ngăn chặn lừa đảo trực tuyến.
Khi người dân hiểu rõ cách nhận diện và phòng chống, họ sẽ cảnh giác hơn, giảm thiểu nguy cơ bị lừa.
Nhằm tăng cường nhận thức cho người dân về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động chiến dịch "Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến".
Chiến dịch này do Cục An toàn thông tin chủ trì, với mục tiêu nâng cao kỹ năng nhận diện và bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Theo Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong năm nay, tỉnh đã phát hiện và xử lý 55 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giảm 44 vụ so với năm trước, với tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt lên tới 74 tỷ đồng.
Trong đó, lừa đảo qua không gian mạng chiếm 36,4% số vụ, với 20 vụ bị phát hiện. Tuy nhiên, mặc dù số vụ lừa đảo giảm, dự báo trong thời gian tới, tội phạm này sẽ diễn biến phức tạp hơn, với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, nhắm vào tâm lý và tài sản của nạn nhân, gây thiệt hại lớn cho xã hội.
Trước bối cảnh này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó với các thách thức từ không gian mạng, đặt mục tiêu nâng cao chỉ số an toàn, an ninh mạng trong bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trong năm 2024, tỉnh phấn đấu đạt thứ hạng từ 25-30 và tăng lên hạng 20-25 vào năm 2025.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu 70% người dùng Internet sẽ được tiếp cận các chương trình nâng cao nhận thức về an toàn, an ninh mạng vào năm 2024, và 80% vào năm 2025.
UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì việc thực hiện kế hoạch này, đôn đốc các cơ quan, địa phương triển khai. Các sở, ngành có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 1/12 hàng năm để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong chiến dịch này, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các kỹ năng nhận diện lừa đảo trực tuyến trên báo, đài, mạng xã hội và các kênh thông tin địa phương.
Các hội nghị tuyên truyền về an toàn thông tin, an ninh mạng cũng sẽ được tổ chức để phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân. Chiến dịch sẽ tập trung vào 5 nhóm kỹ năng quan trọng: nhận biết, phát hiện, xử lý, phòng tránh và bảo vệ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận