Ngày 8/3, phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần thẩm vấn nhóm bị cáo là thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (66 tuổi, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN) khai nhiều lần nhận tổng cộng 390.000 USD của SCB trong các ngày lễ, Tết.
Từ đó, bị cáo báo cáo không trung thực về thực trạng tài chính của SCB, tạo điều kiện cho SCB tiếp tục đề án tái cơ cấu.
Theo bị cáo Hưng, thanh tra SCB là thanh tra theo kỳ, không phải thanh tra đột xuất. Tình hình của SCB trước khi thanh tra, theo các kênh báo cáo thì hoạt động bình thường, do đó cuộc thanh tra được xác định là thanh tra bình thường.
Trước khi NHNN thanh tra, Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ (TTCP) thanh tra SCB. Nhưng lãnh đạo TTCP và NHNN họp thống nhất giao cho một đầu mối tiến hành.
Sau đó, TTCP báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng giao NHNN trực tiếp thanh tra SCB, thành lập Đoàn thanh tra liên ngành với sự có mặt của các đơn vị khác, gồm: TTCP, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kiểm toán Nhà nước và NHNN.
Ông Hưng khai, ngay từ đầu xác định trọng tâm là thanh tra tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu 2015-2019 của NHNN, nhưng cần xác định rõ thực trạng của SCB, chỉ ra cho SCB biết vấn đề tồn tại, hạn chế, cần khắc phục.
Theo ông Hưng, sai phạm trong đợt thanh tra lần 1 chính là có sai lệch về số liệu, nằm ở chỉ tiêu cơ bản để đánh giá được thực trạng của SCB. Từ đó, không xử lý phân loại nhóm nợ đúng quy định, đưa SCB thuộc nhóm nợ 3-5 quay trở lại nhóm 1.
"Ở đây có phần trách nhiệm của bị cáo là không kiểm tra, rà soát những ý kiến chỉ đạo của mình đề ra cho đoàn trước khi bị cáo ký phân loại nợ trình Thống đốc. Đây là trách nhiệm của bị cáo, báo cáo này làm sai lệch đi báo cáo tài chính của SCB", ông Hưng thừa nhận.
Chủ tọa hỏi bị cáo Hưng: "Tại sao phải thu hẹp nội dung thanh tra phạm vi thanh tra với 71 khách hàng có địa chỉ tại 4 Nguyễn Thị Minh Khai để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại 4 Nguyễn Thị Minh Khai?".
Bị cáo Hưng cho rằng, thời gian thanh tra lâu, trong khi yêu cầu chỉ đạo kết thúc thanh tra sớm, nên điều chỉnh kế hoạch "chỉ đơn thuần về mặt thời gian".
"Thực tế do điều chỉnh kế hoạch thanh tra, nên thanh tra đã không làm một cách toàn diện, không phản ánh đúng bản chất của 71 khoản vay. Từ đó, che đậy hành vi phạm tội của 71 khoản vay này?", chủ tọa hỏi.
Bị cáo Hưng lý giải lòng vòng, là việc thanh tra viên của đoàn chịu trách nhiệm trước trưởng đoàn thanh tra là bị cáo Nhàn.
Bị cáo Hưng cũng trình bày, rằng các thành viên trong đoàn thanh tra "đã công tác trong ngành rất lâu năm, trước đó chưa bao giờ mắc khuyết điểm", đây là những cán bộ rất tốt, có thể từ nhận thức chưa đầy đủ, chưa đúng về cuộc thanh tra này nên báo cáo chưa đúng. Từ đó dẫn đến hậu quả tất cả phải đứng trước pháp luật.
"Kính mong HĐXX xem xét lượng hình phù hợp cho các bị cáo của đoàn thanh tra", bị cáo Hưng trình bày.
Theo cáo trạng, để lũng đoạn SCB trong 10 năm, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo chi một khoản tiền lớn để chi phối Đoàn thanh tra của NHNN khi thanh tra SCB, cũng như cán bộ NHNN có chức năng, nhiệm vụ giám sát SCB.
Hành vi của Hưng và Đoàn thanh tra tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB hơn 512.000 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận