Lo sợ nguy hiểm không kém virus corona
Hơn 3 tuần Italia phong tỏa, các ca tử vong vì Covid-19 vẫn tăng lên và người dân thường an ủi nhau: “Ngoài tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng tránh thì chúng ta có thể làm gì? Lo sợ hay lạc quan?”. Tôi không chọn lo sợ vì điều đó nguy hiểm không kém virus Corona.
Văn hoá Italia rất giống Việt Nam ở điểm trọng tình cảm gia đình nhưng con cái sau khi kết hôn không sống chung với bố mẹ.
Chính vì vậy, người già là những người bị ảnh hưởng tinh thần nhiều nhất khi cả nước giới nghiêm.
Không rành công nghệ, không có cuộc sống ảo trên mạng, họ cô đơn trong nhà với nỗi lo sợ không biết thần chết Corona sẽ đến gõ cửa lúc nào.
Và thế là “tình làng nghĩa xóm” đã phát huy tác dụng, một ý tưởng được nảy sinh: Bữa trưa trên ban công.
Tất cả các gia đình vào giờ nhất định, cùng dọn nữa trưa trên ban công và vui vẻ ăn uống cùng nhau.
Mọi hoạt động chuyển từ trong nhà ra ban công vì nơi đây là cửa sổ giao tiếp duy nhất với bên ngoài và hàng xóm. Người ta hẹn giờ và vỗ tay để gửi lời cảm ơn tới các bác sỹ, họ hát trên ban công thay vì đi lễ hội như trước đây.
Giới trẻ thì không thật sự hào hứng với việc này, họ muốn gặp và giao lưu với bạn bè nhiều hơn là hàng xóm và vì vậy những bữa tiệc online ra đời.
Họ gặp nhau bằng App HouseParty. Thậm chí “tiệc tùng” nhiều đến mức người ta còn phải lựa chọn tham dự tiệc nào, bỏ tiệc nào y như trực tiếp gặp bạn bè như trước kia.
Các công ty viễn thông đang hỗ trợ miễn phí cho người dân internet không giới hạn để họ có thể ở gần nhau hơn trong lúc này.
Mọi thời gian dành cho gia đình
Vào ngày lễ của cha, một người đàn ông đã khiến cộng đồng mạng xúc động khi viết thư cho con. Thư viết, “lâu nay, bố đã rất khó khăn để tặng cho các con thời gian bên gia đình nhưng lúc này, đó là món quà dễ dàng và ý nghĩa nhất.
Bố có thể làm việc suôn sẻ qua internet và các con học bài cũng vậy nhờ những giáo viên tuyệt vời.
Một tháng trước, dường như ai cũng vội vã. Giữ mọi người ở lại bàn ăn thêm 1 phút để nói chuyện là điều bất khả thi. Thì giờ đây, tất cả thương yêu và chơi đùa cùng nhau mọi lúc.
Nhờ có dịch bệnh này, bất chấp sự huỷ hoại mà nó gây ra đã làm cho bố hiểu chính chúng ta có thể mang tới cho nhau những món quà ý nghĩa nhất.
Mà sau này, khi các con lập gia đình, khi cánh cửa ngoài kia lại mở rộng và lệnh phong tỏa được gỡ bỏ… bố vẫn luôn giữ mãi trong tim”.
Câu chuyện mà người đàn ông viết trong thư thực sự là những gì mà hầu hết người dân Italia đang trải qua.
Để vượt qua những lo sợ về dịch bệnh, mọi người tìm mọi cách để lấp đầy khoảng trống trong ngày như đọc sách, chơi game, tập thể dục tại nhà, bố mẹ chơi đùa cùng con trẻ...
Phạt tù người vi phạm, không đổ xô đi mua hàng
Các quy định thay đổi chóng mặt mỗi ngày, cuộc sống khác ngày thường đến mức không thể tưởng tượng nổi nhưng an ninh trật tự vẫn trong vòng kiểm soát.
Không như ở nhiều nước khác, người Italia tuân thủ lệnh giới nghiêm rất tốt.
Có thể do mức phạt rất nặng và xử lý rất nghiêm. Có thể phạt tới 25 năm tù nếu có triệu chứng cúm mà vẫn ra đường. Cũng không ai đổ xô đi mua thực phẩm vì hàng hóa rất sẵn trong siêu thị, chỉ phải xếp hàng hơi lâu.
Khi tôi ra đường mua đồ ăn, phải mang theo một tờ cam đoan (khai theo mẫu, ghi cụ thể đi từ đâu đến đâu, mục đích gì). Một gia đình chỉ được cử 1 người đi siêu thị. Khoảng cách tối thiểu với người khác ở nơi công cộng là 1,5m.
3 tuần phong tỏa là khoảng thời gian dài và có thể chưa kết thúc nhưng thích nghi với hoàn cảnh và lạc quan nhất có thể, yêu thương chăm sóc những người trong gia đình là những việc nên làm dù ở Italia hay ở Việt Nam.
Bị hạn chế ở trong nhà dù sao cũng là điều dễ dàng nhất vì còn bao bác sỹ, cảnh sát, người cung cấp nhu yếu phẩm vẫn đang phải làm việc kiệt sức mỗi ngày ngoài kia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận