Là tỉnh trung du, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn (GTNT) nhưng bằng chính sách hỗ trợ xi măng, huy động nhân dân đóng góp tiền của, công sức làm đường, hơn 2 năm qua, chính quyền và người dân Bắc Giang đã hoàn thành cứng hóa hơn 4.000km đường giao thông nông thôn góp phần bảo đảm ATGT, cải thiện đời sống.
Chính quyền, nhân dân cùng làm
Các vùng nông thôn của tỉnh Bắc Giang từ những con đường làng, ngõ xóm nhỏ hẹp, trơn trượt ngày nào giờ đã được thay áo mới bằng mặt đường bê tông xi măng rộng từ 3,5 - 5,7m, thậm chí là 11m, giúp lưu thông êm thuận. Ông Ngô Quang Ngơn (cụm trưởng cụm 11, thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) chia sẻ: Cụm có 10 hộ, trước đây tuyến đường chỉ rộng hơn 2m, trơn trượt, đi lại khó khăn. Mỗi khi vào mùa thu hoạch, người dân chuyên chở rất vất vả. Khi UBND xã thông báo triển khai chương trình hỗ trợ xi măng làm đường, ông đã tổ chức 5 cuộc họp cùng các hộ trong cụm bàn cách mở rộng đường. Hộ nào chưa thông, các đoàn thể trong thôn nhiều lần đến nhà kiên trì vận động nên gần 1km đường, chiều rộng trung bình 4m đã hoàn thành. Cũng với cách làm tương tự, gần 3 năm nay, toàn xã đã hoàn thành cứng hóa hơn 110km đường trục thôn, ngõ xóm.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Lục Ngạn cho biết: Với cách làm đồng bộ trên toàn huyện, từ năm 2017 đến nay, người dân Lục Ngạn đã đóng góp khoảng 300 tỷ đồng, hiến hơn 78.120m2 đất, phá dỡ 460m tường rào, tự nguyện chặt bỏ hàng nghìn cây ăn quả các loại để mở rộng, cứng hóa 670km đường GTNT. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2019, người dân các xã trong huyện sẽ tiếp tục đóng góp cứng hóa thêm gần 400km đường nữa.
Không chỉ huyện Lục Ngạn, phong trào hiến đất, tiền của cứng hóa đường GTNT cũng phát triển rộng khắp tại tất cả các huyện, xã, thôn trong tỉnh. Trong đó, mạnh nhất phải kể đến các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lục Nam… Ngoài việc hỗ trợ 100% xi măng, kinh phí vận chuyển, nhiều huyện còn có cách làm sáng tạo khuyến khích người dân mở rộng các tuyến đường hiện có. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: Đối với những tuyến đường rộng từ 3,5 - 4m sẽ được ngân sách huyện hỗ trợ thêm 100 triệu đồng/km, rộng từ 4,5m trở lên sẽ hỗ trợ thêm 200 triệu đồng/km. Do đó, một số tuyến đường trước đây chỉ rộng 2 - 3m, nay đã được người dân nhường đất mở rộng lên 11m. Những tuyến đường GTNT không ngừng nối dài đã góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH, đảm bảo TTATGT ở địa phương.
Góp phần giảm thiểu TNGT
Tổng kinh phí đầu tư thực hiện cứng hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn từ năm 2017 đến nay là hơn 2.428,7 tỷ đồng. Trong đó: Người dân đóng góp gần một nửa kinh phí với 1.085,1 tỷ đồng (bao gồm giá trị đất, công trình, ngày công, tiền của người dân hiến, đóng góp). Ngân sách cấp tỉnh chỉ phải hỗ trợ 742,9 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện, xã hỗ trợ 600,7 tỷ đồng.
Theo Sở GTVT tỉnh Bắc Giang, tính đến hết năm 2015, tổng chiều dài mạng lưới đường GTNT trên địa bàn toàn tỉnh xấp xỉ 14.000km, trong đó đường thôn xóm là 7.432km, tỷ lệ cứng hoá chỉ đạt 47,93%; đường nội đồng 4.042km, tỷ lệ cứng hoá chỉ đạt 8,45%. Xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết nhằm phấn đấu đến năm 2020, 100% đường huyện, 65% đường xã, 60% đường thôn xóm được cứng hóa. Ông Hoàng Văn Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết: Trong những năm đầu triển khai, người dân còn khá dè dặt trong việc đăng ký thực hiện. Sau khi liên tục kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn từng tuần, tháng, quý, kết quả triển khai thực hiện tại các huyện, xã đều vượt so với kế hoạch đăng ký. Có những huyện có khối lượng thực hiện vượt hơn 100% kế hoạch như: Lục Ngạn 1.088km, Lạng Giang 581km, huyện Yên Dũng 430km, Yên Thế 422km.
Không chỉ giúp người dân lưu thông, vận chuyển nông sản, hàng hóa phát triển KT-XH, việc các tuyến đường GTNT được mở rộng, cứng hóa còn góp phần giảm thiểu TNGT. Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Dũng cho biết: Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan đắp lề đường, xây dựng gờ giảm tốc tại các nút giao giúp bảo đảm ATGT. Nhờ đó, nhiều năm nay, toàn huyện không ghi nhận trường hợp TNGT xảy ra trên các tuyến đường GTNT. Chính vì vậy, huyện đã được UBND tỉnh lựa chọn là đơn vị đại diện báo cáo thành tích đề nghị Bộ GTVT tặng Bằng khen đối với huyện có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020”.
Thống kê của Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Giang cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, TNGT trong toàn tỉnh giảm cả 3 tiêu chí. Trong khi toàn tỉnh xảy ra 304 vụ TNGT, làm 152 người chết, 267 người bị thương; thì trên các tuyến đường GTNT số vụ xảy ra chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận