Chính trị

Bác Hồ làm chủ bản thân

29/01/2017, 13:42

Đối với người có chức quyền thì làm chủ bản thân còn khó hơn nữa, bởi vì người này dễ bị nhiều can nhiễu...

1

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tạm Nhà 54 bốn năm trước khi chuyển sang nhà sàn (Ảnh tư liệu chụp năm 1957)

Hàng ngày, trong đối nhân xử thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia các mối quan hệ làm ba loại: Đối với người, đối với việc và đối với mình. Trong đó, mối quan hệ tự mình đối với bản thân mình là khó xử lý nhất.

Chức càng cao càng khó làm chủ bản thân

Đối với người có chức quyền thì làm chủ bản thân còn khó hơn nữa, bởi vì người này dễ bị nhiều can nhiễu, cám dỗ hơn ai hết. Trong các cám dỗ đối với con người, thì người có quyền cao chức trọng trước hết bị hai điều lớn nhất: Một là cám dỗ về quyền lực, hai là cám dỗ về vật chất. Không phải ai cũng thấy được quyền lực mà bản thân mình đang có là do đâu và sử dụng quyền lực ấy như thế nào cho đúng. Không phải ai cũng ý thức được đến lúc nào thì sẵn sàng rời bỏ quyền lực để vì cái chung của sự phát triển. Bởi vì quyền lực thường gắn với lợi ích như hình với bóng, nếu không tỉnh táo thì sẽ dễ bị sa đọa, thoái hoá, rất dễ bị trượt xuống hố tiêu cực.

Người đứng ở đỉnh tháp của quyền lực của một Đảng, của một nước như Bác (Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước) có sự thử thách cực lớn. Bác chịu mọi khổ ải của chúng sinh, nhất là lúc hoạt động bí mật và đặc biệt là thời gian ở tù (hai lần bị tù, một lần bị án tử hình vắng mặt), không những bị mất tự do mà cuộc sống vật chất cực kỳ khổ ải. Nhưng, Bác thi vị hoá cảnh khổ ải của một người tù: ăn đói, mặc rét, bị trói giải đi hết nhà lao này đến nhà lao khác, bị rụng răng, bị ghẻ lở, bị rệp cắn...

Nhìn lại chính mình, đánh giá chính xác bản thân mình khó lắm. Người ta khen mình thì dễ, nhưng chê mình thì thấy khó lọt lỗ tai vô cùng. Tự mình thấy cái dở, cái xấu của mình thì lại càng khó hơn.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, nước nhà giành được độc lập, tự do, Bác về Hà Nội. Những ngày “cháo bẹ rau măng”, những ngày làm việc ở “bàn đá chông chênh” không còn. Một cuộc sống mới đến với Hồ Chí Minh, ít ra là đời sống vật chất không còn kham khổ nữa. Người ta đã định sắp xếp cho Bác ở ngôi nhà vốn của Toàn quyền Đông Dương, một ngôi nhà theo lối kiến trúc Pháp, rất đẹp, trang trọng, nơi đã từng có 29 viên Toàn quyền Pháp ở, từ Toàn quyền đầu tiên Pôn Bô (Paul Beau) đến Toàn quyền cuối cùng là Đờcu (Decoux), một dinh thự có phong cách thời Phục hưng, do kiến trúc sư người Pháp gốc Đức Líchten Fenđơ thiết kế, được xây dựng từ năm 1900 đến năm 1906, có tổng diện tích sử dụng gần 1.300m2.

Khi được mời ở ngôi nhà đó, Bác chối khéo mà nói rằng: “Cái nhà ấy thối lắm”. Mọi người ngạc nhiên. Bác hóm hỉnh giải thích: “Nó thối là thối cái mùi thực dân”. Bác đề nghị dùng ngôi nhà này làm nơi tiếp khách của Nhà nước. Từ đó ngôi nhà có tên là ngôi nhà Phủ Chủ tịch. Còn Bác ở và làm việc tại một ngôi nhà cấp 4 gần bờ ao, vốn là nơi ở của một người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương. Nó có 3 phòng nhỏ: Phòng giáp ao cá là phòng làm việc và cũng là nơi tiếp khách, phòng giữa là phòng ăn, tiếp đến là phòng ngủ. Bác sống và làm việc tại đây từ tháng 12/1954, cho nên ngôi nhà này được gọi là Nhà 54. Bốn năm sau, khi Trung ương đề nghị xây cho Bác một ngôi nhà mới, Bác đồng ý và đề nghị làm một căn nhà sàn nho nhỏ ở phía bên kia bờ ao theo kiểu nhà đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Bắc. Bác trao đổi việc thiết kế với ông Nguyễn Văn Ninh, là kiến trúc sư chịu trách nhiệm thiết kế ngôi nhà này. Bác đề nghị thiết kế ngôi nhà chỉ đủ cho một người ở, không nên dùng gỗ quý, hành lang nên làm rộng để vừa ngồi đọc sách vừa thuận tiện cho việc đi lại, cầu thang đủ rộng cho hai người đi... Ngày 17/5/1958, ngôi nhà được khánh thành.

Ngôi nhà của Bác lộng gió bốn phương, không có máy điều hòa nhiệt độ, giường đơn trải chiếu mộc, không có buồng vệ sinh, không có phòng ăn riêng. Năm 1967, bầu trời Thủ đô Hà Nội vẩn đục bởi máy bay Mỹ oanh tạc, còi báo động trùm lên phố phường, cứ mỗi lần như thế Bác lại phải từ nhà sàn đi xuống hầm trú ẩn. Trước tình hình đó, cơ quan xây ở phía sau nhà sàn một ngôi nhà bê tông cốt thép nửa chìm nửa nổi cho Bác. Nhân dịp Bác đi công tác nước ngoài, ngôi nhà này được gấp rút xây dựng. Nó được đặt tên theo năm xây dựng, gọi là Nhà 67.

Bác chọn cuộc sống và sinh hoạt giản dị

Ngày 30/6/1967, Bác về Hà Nội sau chuyến đi công tác nước ngoài, thấy ngôi nhà, Bác tỏ ý không vui. Bác đề nghị sử dụng ngôi nhà này thành nơi họp Bộ Chính trị và nơi làm việc với các đồng chí Trung ương chứ Bác không ở. Hơn 2 năm sau, ngày 18/8/1969, theo đề nghị của Bác sĩ khi thấy sức khỏe đã rất yếu, Bác được chuyển hẳn xuống Nhà 67 và khoảng hai tuần lễ sau qua đời ở đó ngày 2/9/1969.

Ở thì đã vậy, còn ăn thì khi về Thủ đô sau ngày giải phóng, về cơ bản Bác thường dùng 4 món: Rau, giá, cá, đậu phụ. Tất nhiên, còn một số món nữa, nhưng chủ yếu vẫn là những món ấy. Bác ăn đủ chất, thanh đạm, sạch sẽ, tiết kiệm, vừa đủ, không muốn bày ra cho thừa, kể cả ăn tiệc ở đâu cũng vậy. Điều này đúng như đức tính của Bác khi phục vụ bàn trong một khách sạn ở Luân Đôn năm 1915. Hồi đó, thức ăn còn thừa, những người khác thì vứt hết tất cả vào sọt rác, còn Bác thì không làm như vậy; Bác gói ghém một số thức ăn thừa vào một tờ giấy sạch sẽ rồi đưa cho những người vô gia cư ngoài đường phố Luân Đôn.

Mặc thì về cơ bản Hồ Chí Minh có hai bộ quần áo chính, có lúc sờn cổ và tay, nhưng Bác không cho thay. Bác đi dép lốp cao su, khi mòn vẹt đế, Bác gá miếng cao su vào chỗ bị vẹt chứ không thay đôi dép khác.

Hồ Chí Minh dành dụm tiền lương và tiền nhuận bút để tặng quà cho các cụ già, cháu nhỏ. Năm 1967, Bác rút hết tiền trong sổ tiết kiệm ủng hộ các đội tự vệ Hà Nội trực chiến pháo 12 ly 7 trên các nóc nhà khu Ba Đình và các đơn vị trực chiến khác để mua nước giải khát mùa hè.

Bác làm những việc đó một cách tự nhiên, có ý thức rõ ràng về cuộc sống ở một đất nước còn nghèo. Bác làm không một chút gượng ép, không ra vẻ cao đạo, ra vẻ ta đây, mà đã thành nếp sống tự nhiên. Bác đã thực hành cái đạo cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Bác là người chế định được cái tôi trong muôn sự biến thiên của cuộc đời. Bác biết điểm dừng. Bác thiền giữa cái bao la khôn cùng của vũ trụ, hao hao như Trần Nhân Tông, vị vua sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ XIII của Đại Việt lấy cái Tâm làm gốc, lấy sự giác ngộ trong lòng làm căn bản, tu tại tâm, tu không thoát khỏi trần thế mà lại gắn với sự đời, với thực tại, với vận mệnh của đất nước. Khác với vị vua đời Trần phải lên núi thiền tu, Bác thiền ngay giữa dân gian, giữa đất trời của dân chúng, giữa cái bao la đất trời ngổn ngang đại sự. Bác thiền để ngộ, ngộ để hành, hành cái đại sự của đất nước, của nhân loại cần lao trong sự nghiệp vĩ đại của ba giải phóng: Giải phóng dân tộc - Giải phóng xã hội (giai cấp) - Giải phóng con người.

 Giảng viên cao cấp, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.