Phong trào Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã lan tỏa rộng khắp và duy trì đến tận ngày nay (Trong ảnh: Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Tây cũ) mùa xuân năm 1969) - Ảnh: Tư liệu |
Đúng 5h. Một chiếc xe trong Phủ Chủ tịch tiến ra cổng. Những chiếc xe cùng đi lặng lẽ bám theo...Ra khỏi vùng tây nam ngoại thành Hà Nội, đến địa phận tỉnh Sơn Tây cũ, xe dừng lại tại một quãng đường vắng, sương mai ám trắng mặt đồng. Thật bất ngờ, Bác Hồ từ trong chiếc xe bước ra như một lão nông đi thăm ruộng. Bác vẫn chỉ khoác chiếc áo ka ki bạc màu, bên trong có thêm chiếc áo ấm. Gió bấc thổi mạnh. Chưa được ý kiến của Bác, mọi người vẫn ngồi yên trên xe. Được Bác gọi, đồng chí Nguyễn Tạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp và ba người nữa cùng xuống xe, dáng đi hơi co ro vì rét. Bác hỏi:
- Chú Tạo cho biết có những chú nào đi cùng?
- Thưa Bác, có các anh ở Tỉnh ủy Vĩnh Phú, Sơn Tây và Nghệ An.
Bác chỉ tay về phía đồng chí đại diện Tỉnh ủy Nghệ An dáng người thấp bé:
- Nghệ An “nhà choa” trồng cây kém nhất. Có đúng thế không?
- Dạ… thưa Bác, đúng như thế ạ, đại biểu Nghệ An đáp.
Bác chỉ tay theo con đường trơ trọi, nói với đại biểu Sơn Tây:
- Người ta để đồi trọc đã là khó coi, Sơn Tây nhà chú đường còn trọc bình vôi kia kìa. Nghệ An trồng cây kém nhất thì Sơn Tây nhà chú kém thứ hai. Bác nhận xét vậy, các chú có cho Bác nói quá đi không?
Đồng chí đại biểu Sơn Tây hơi bối rối:
- Thưa Bác, tỉnh cháu trồng cây còn kém lắm ạ.
Bác nói giọng vui vẻ với đồng chí Nguyễn Tạo:
- Còn ngành lâm nghiệp của chú, số cây trồng được thì ít mà nói lại nhiều…
Đồng chí Nguyễn Tạo nhìn Bác, cười ngượng ngập. Một cơn gió lạnh buốt từ phía đầm nước ùa tới… Ai nấy đều nhìn Bác, vẻ xúc động, lo lắng cho sức khỏe của Bác. Giọng Bác nói như xua tan giá lạnh:
- Hôm nay là ngày chủ nhật, lẽ ra chúng ta nghỉ ngơi. Nhưng tiện dịp các chú ở dưới tỉnh về Trung ương họp, Bác rủ các chú tranh thủ đi học hỏi những nơi trồng cây giỏi. Bác gọi đi “đột kích” thế này, các chú có ấm ức với Bác không?
Mọi người đứng quanh Bác cười sôi nổi.
* * *
Phong cảnh miền trung du sáng cuối năm như bức tranh hoành tráng. Dòng sông Đà ẩn hiện giữa những lớp lớp bậc thang, đồi núi lấp ló trong mây mù.
Qua sông, xe đi một chặp thì dừng bên dãy đồi thoai thoải. Bác leo lên đồi. Mặt trời lên, tỏa nắng lưng đồi. Giữa đồi cao, những tàu cọ lớp lớp che mái tóc sương của Bác. Bác gọi đại biểu Vĩnh Phú:
- Chú Ngọc lại đây.
Đồng chí Kim Ngọc đứng bên Bác. Bác hỏi:
- Chú có biết những đồi cây này là của xã nào không?
Đồng chí Kim Ngọc nhìn quanh bốn hướng, thưa:
- Dạ… thưa Bác đây… đây thuộc địa phận Phú Thọ ạ.
Bác cười:
- Bác muốn biết là xã nào đã trồng được cây tốt trên đồi này chứ Bác có hỏi chú nơi đây thuộc tỉnh Phú Thọ hay tỉnh Vĩnh Phúc cũ đâu?
Thấy đồng chí Kim Ngọc lúng túng, Bác nhắc nhẹ nhàng:
- Có khi chú chỉ nghe báo cáo miệng hoặc đọc trên giấy chứ chưa đến tận nơi này?
Bác đi giữa, đại biểu Nghệ An, đại biểu Sơn Tây đi hai bên. Sương thấm ướt áo quần Bác. Bác đưa mọi người đi xem từng loại cây trồng trên đồi: cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây lấy dầu, chè… Bác hỏi:
- Các chú Nghệ An, Sơn Tây trông cây cối có đẹp mắt không? Từ đồi trọc bình vôi, mới có dăm năm mà bà con ở đây đã đem lại một cảnh trí tươi đẹp thế này. Lao động vinh quang thật!
Bác vỗ vai đại biểu tỉnh Vĩnh Phú: “Đây là xã Vinh Quang, có lẽ chú Ngọc bị hỏi đột ngột chưa kịp nhớ ra chăng!”.
Bác nhắc nhở đại biểu Nghệ An và Sơn Tây:
- Nghệ An đất rộng, có vùng núi, vùng biển, dân lại đông, cần cù, có tinh thần tự lực tự cường, có truyền thống đoàn kết, tin tưởng Đảng ta, sao đến nay vẫn chưa có phong trào trồng cây? Đồi, đường Vĩnh Phú cây rợp trời thế này mà Sơn tây vẫn còn đường trơ, đồi trọc?
Ánh mắt Bác hơi nghiêm nghị nhìn xuống đường, con đường đỏ vươn dài trên đồi xanh xa bát ngát. Giọng Bác nói hơi trầm: “Nghệ An, Sơn Tây của các chú không thiếu gì đâu, chỉ vì cán bộ thiếu tinh thần phụ trách trước dân, thiếu quyết tâm, sợ khó, sợ khổ! Chúng ta phải nhận rõ vấn đề: Nơi nào dân không có nhà ở, không đủ cơm ăn, áo mặc, không có đồ dùng thì người cán bộ nơi đó chưa làm tròn trách nhiệm, chưa phải là người cán bộ cách mạng trung thành, người đầy tớ tận tụy của nhân dân”.
Nghe tin Bác Hồ về thăm, đồng bào địa phương từ trong làng đổ cả ra đồi đón Bác. Trên đồi cao, cây xanh rợp bóng, Bác ở giữa, bà con ngồi chung quanh. Bác mời đồng chí Kim Ngọc đến cạnh, Bác hỏi:
- Bà con xã Vinh Quang ta có biết ai đây không?
Một âm thanh dài, đồng đều: “Dạ… không ạ”.
Đồng chí Kim Ngọc hơi đỏ mặt, Bác vui vẻ giới thiệu:
- Lẽ ra chủ giới thiệu khách, nhưng tôi lại làm cái việc hơi ngược, xin giới thiệu với bà con, đây là đồng chí Kim Ngọc, Bí thư của tỉnh Vĩnh Phú nhà ta.
Tiếng vỗ tay, tiếng cười tràn mặt đồi. Bác giới thiệu tiếp: “Được biết bà con Vinh Quang trồng cây giỏi, tôi và đồng chí Nguyễn Tạo, Tổng cục trưởng “Tổng cục trồng cây” cùng với các đồng chí đại biểu Sơn Tây, Nghệ An đến học kinh nghiệm của bà con…”.
Vì quá chăm chú ngắm nhìn Bác, lòng tràn ngập xúc động, bà con quên cả vỗ tay. Nhiều người lau những dòng nước mắt sung sướng! Một cụ già tóc bạc, đứng nghiêm trang, mắt ướt, nói: “Thưa… thưa Bác… Cũng vẫn cái vùng đồi này, những con đường này, người dân ở đây đã bao đời cam chịu sống khổ cực trên đất khô cằn, sỏi đá, không biết trồng cây. Nhờ ơn Bác Hồ… Bác phát động Tết trồng cây, dân nghe lời Bác, làm theo lời Bác mà có được một vùng cây đẹp thế này. Cho nên, từ người già như cháu - Bác đỡ lời ngay - Cụ với tôi là đồng lứa, xin cụ đừng xưng cháu”… Thưa Bác, từ người già đến người trẻ ở cái xã này đều gọi: “Đây là cây Bác Hồ, quả Bác Hồ, bóng mát Bác Hồ”.
* * *
Ban trưa, đợt gió mùa lại bổ sung rét về. Trên đường về, Bác dừng lại nghỉ trưa trên đồi cây thuộc xã Vật Lại (Sơn Tây). Đồng chí Nguyễn Tạo thấy có ngôi đền cách nơi Bác đang ngồi không xa, đã thưa với Bác:
- Mời Bác và các đồng chí đến ngôi đền đằng kia nghỉ, ăn trưa một thể.
- Không nên! Dân làm đền để thờ thần, đâu phải nơi Bác cháu mình ngồi ăn cơm?.
Giữa thảm cỏ mịn, dưới bóng cây rùm ròa xanh ngát, Bác cầm miếng cơm nắm, ăn với tí thịt rim. Trên cánh đồng xa xa, những tốp xã viên cày cấy vụ đông xuân cũng đang ăn cơm tại bờ ruộng. Bác nói, giọng ái ngại:
- Bác cháu mình ngồi ăn cơm ở đây có áo len, áo dạ, lại có cả cây cối che gió đỡ rét. Bà con nông dân chân lấm tay bùn, ướt át, lại ngồi ăn giữa đồng trống! Một miếng cơm, một bát rét!
Bác ăn rất ít. Bác đi đi lại lại dưới hàng cây. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây đến bên Bác: “Thưa Bác, vinh dự được Bác đi qua đây, cháu mời Bác ghé thăm… để động viên cán bộ và đồng bào Sơn Tây của cháu”.
Bác vừa nói, vừa cười:
- Các chú có nhận thấy chú Phong “láu” không? Đợi Bác cháu chúng ta ăn no mới mời về thăm tỉnh nhà mình. Giống như trong truyện tiếu lâm: Chồng mời khách vào nhà, vợ đuổi gà ngoài sân.
Đồng chí Bí thư Sơn Tây hơi bối rối. Đồng chí Tỉnh ủy Nghệ An lại thưa với Bác:
- Thưa Bác, cháu xin hứa với Bác, lần này về phát động đồng bào tỉnh nhà trồng cây giỏi để được đón Bác vào thăm ạ.
Bác nói ngay:
- Chú này lại càng “láu” nữa. Chưa trồng cây mà đã hẹn Bác về thăm? Thế là trồng cây chỉ nhằm mục đích để khoe với Bác, chứ đâu vì lợi ích của nhân dân?
Mọi người đứng quây quần bên Bác, cười chan hòa, ấm áp.
LTS: Nhà văn Sơn Tùng nguyên là phóng viên Báo Tiền Phong. Ông là một trong những phóng viên được tháp tùng và gần gũi Bác Hồ trong nhiều chuyến đi công tác. Chuyện Bác Hồ về thăm xã Vinh Quang, một điển hình trồng cây tốt năm 1962, được nhà văn ghi lại đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận