Nhà khoa học Trung Quốc hy vọng có thể sớm cạnh tranh với các nhà khoa học nước ngoài ở các giải thưởng uy tín |
Giải thưởng lớn nhưng đìu hiu
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 28/6, Trung Quốc có nhiều nhà khoa học và kỹ sư hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới - lực lượng đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của Bắc Kinh trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới. Dù vậy, các thành tựu khoa học của họ thường bị chê là thiếu tính mới mẻ.
Ví dụ, giải thưởng cho các đề tài khoa học và công nghệ xuất sắc cấp quốc gia được ví như giải thưởng “Nobel của Trung Quốc” được trao hàng năm cho hai cá nhân có bước đột phá xuất sắc nhất trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Dù giải thưởng hấp dẫn lên tới 5 triệu nhân dân tệ (760 nghìn USD) nhưng đã 3 năm nay không có ai nhận được giải này. Còn các năm trước đó, có khi cũng chỉ có một nhà khoa học được nhận vì tiêu chí của giải thưởng rất cao, Văn phòng Quốc gia Trung Quốc về giải thưởng trên cho biết.
Tương tự, Giải thưởng Khoa học tự nhiên cấp quốc gia của Trung Quốc nhằm tôn vinh những nhà khoa học đã có khám phá lớn trong lĩnh vực khám phá các hiện tượng tự nhiên, chỉ được trao đúng 10 lần trong vòng 20 năm qua.
Chính vì thế, Bộ Tư pháp Trung Quốc vừa đưa ra một bản dự thảo sửa đổi, trong đó sẽ giảm bớt các quy định hạn chế quốc tịch để những nhà khoa học nước ngoài có thể cạnh tranh công bằng trong các giải thưởng uy tín, như một phần của nỗ lực thu hút nhân tài.
Các quan chức Trung Quốc cho rằng, những thay đổi này có thể giúp nền kinh tế nước này có động lực đổi mới và trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ tiên tiến.
“Những thay đổi quy định của giải thưởng chỉ là một phần trong kế hoạch lớn của chính phủ nhằm tăng sự cởi mở và thu hút tài năng từ khắp nơi trên thế giới”, một quan chức cấp cao giấu tên nói với tờ SCMP và cho biết thêm rằng, “sẽ không dừng lại ở giải thưởng và nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà khoa học quốc tế sắp được đưa ra”.
Giảm thiểu “ăn cắp” sở hữu trí tuệ
Các sửa đổi này cũng nhằm giải quyết vấn đề đang tồn tại rất lâu ở Trung Quốc liên quan đến hoạt động gian lận và ăn cắp ý tưởng khoa học. Theo nội dung của bản dự thảo, những ứng viên cạnh tranh hoặc được đề cử cho giải thưởng sẽ được giám sát xem có gian lận khoa học hay không.
Những người được đề cử hoặc ứng viên cho giải thưởng cũng không được phép phóng đại thành tích của họ vì làm như vậy sẽ bị cho là “đánh lừa công chúng và ảnh hưởng đến danh tiếng của Trung Quốc”.
Theo Cục Quản lý nhà nước về chuyên gia nước ngoài, hiện có khoảng 1 triệu người nước ngoài có kỹ năng và chuyên môn làm việc tại Trung Quốc được chính phủ công nhận chính thức. Con số này đã tăng gấp 100 lần kể từ những năm 1980, nhưng Bắc Kinh vẫn muốn có nhiều hơn nữa những nhà khoa học giỏi từ các nước trên thế giới.
Đầu năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ nước này đã đưa ra một loạt các chính sách mới cho phép người nước ngoài nộp đơn xin tài trợ và tham gia vào các dự án khoa học lớn trên sân chơi bình đẳng với các đồng nghiệp Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Wang Jiantao, Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh hoan nghênh sự thay đổi trong bản dự thảo trên và cho rằng: “Các nước khác cũng đang làm điều tương tự. Nếu các nhà khoa học nước ngoài đang đóng góp đáng kể cho sự tiến bộ của khoa học và công nghệ ở Trung Quốc, họ xứng đáng nhận được giải thưởng và sự công nhận”.
Thời gian nhận ý kiến tranh luận công khai về bản dự thảo này được mở cho đến hết tháng 7. Sau đó, các sửa đổi sẽ được Hội đồng khoa học Nhà nước Trung Quốc xem xét thông qua và đưa vào hiệu lực.
Các nhà khoa học nước ngoài vẫn có thể phải tuân thủ các điều khoản và điều kiện khác, tùy thuộc vào phản hồi từ công chúng và cơ quan chức năng Trung Quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận