Ngày 20/2, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu: UBND tỉnh này vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2023 ở Bạc Liêu.
Cụ thể, có 8 nghề được đào tạo cho đối tượng này, gồm: lái xe ô tô hạng B2 (học 10 tuần, hỗ trợ 17,8 triệu đồng/khóa học); lái xe ô tô hạng C (học 16 tuần, hỗ trợ 17,8 triệu đồng); sửa xe gắn máy (học 12 tuần, hỗ trợ 12,3 triệu đồng); kỹ thuật tiện (học 12 tuần, hỗ trợ 12 triệu đồng).
Nghề kỹ thuật gò hàn (học 12 tuần, hỗ trợ 12 triệu đồng); xây dựng dân dụng (học 12 tuần, hỗ trợ 12 triệu đồng); sửa chữa điện lạnh (học 12 tuần, hỗ trợ 12,2 triệu đồng); điện dân dụng (học 12 tuần, hỗ trợ 11,8 triệu đồng).
Kinh phí hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu dự kiến chi mỗi năm hơn 10,7 tỷ đồng để đào tạo nghề cho 600 thanh niên (mỗi người được hỗ trợ 12 tháng lương cơ sở, tương đương khoảng 17,8 triệu đồng).
Qua thống kê, số thanh niên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ mỗi năm khoảng 1.100 người. Trong đó, dự kiến thanh niên có nhu cầu học nghề khoảng 600 người.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, điều kiện để thanh niên được hỗ trợ đào tạo nghề là trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ, nhiệm vụ. Và những người này chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, thanh niên đáp phải ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ đào tạo nghề thì được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, tổ chức đào tạo nghề và được chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo quy định.
Trước đó, cử tri xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai phản ánh việc con, em đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương đầu năm 2022 và có nguyện vọng được học nghề (có giấy xin học nghề được đơn vị cấp về) nhưng khi đến Trường Cao đẳng nghề của tỉnh thì không được nhận vào học, đề nghị ngành chức năng trả lời rõ lý do.
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2016, theo hướng dẫn thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp qua thẻ cho đối tượng nêu trên là do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo. Nhưng đến cuối năm 2021 kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề vẫn chưa được bố trí.
Do đó, trường hợp thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đầu năm 2022 và có nguyện vọng học nghề (có giấy xin học nghề được đơn vị cấp về) nhưng khi đến Trường Cao đẳng nghề của tỉnh thì không được nhận vào học là do Trường chưa được cấp kinh phí thực hiện chính sách này.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên đăng ký tham gia đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo nguyện vọng, nhu cầu (trong đó, có Trường Cao đẳng nghề), UBND tỉnh Bạc Liêu giao các Sở, ngành phối hợp rà soát nắm chặt số lượng thanh niên, nhu cầu ngành nghề tham gia đào tạo, tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo để cân đối, bố trí kinh phí địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận