Bác sĩ Vương Xuân Toàn. Ảnh: Tạ Hải
Sau mỗi cuộc chiến ấy, người chiến sĩ áo trắng lại thêm một lần trưởng thành.
Ân tình qua những lá thư
Chúng tôi gặp lại bác sĩ trẻ Vương Xuân Toàn vào cuối tháng 3, đúng ngày đầu tiên anh trở lại công việc ở nơi nhiều người vẫn ví von “vào dễ, ra khó - Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai”, sau thời gian hoàn thành đợt cách ly khi trở về từ vùng dịch Covid-19 ở Hải Dương.
Thuộc thế hệ 9x, sau 6 năm công tác, dù không còn là bác sĩ trẻ nhất khoa nhưng nhiệt huyết vẫn như ngày đầu, BS. Toàn chia sẻ: “Mỗi lần cùng đồng nghiệp đưa người bệnh trở về từ cõi chết là một lần tự mình vượt qua thử thách, thấy hạnh phúc với công việc mà mình đã lựa chọn”.
Ở tuổi 30, cuốn mình giữa bộn bề công việc, anh vẫn chưa tính đến chuyện lập gia đình dù cha mẹ nhiều lần “nhắc nhở, mong ngóng”. “Giờ thì chưa, vì dịch bệnh thế này”, bác sĩ trẻ cười hiền.
Tạm ngưng nghỉ giữa những tất bật với công việc, BS. Toàn “khoe” với chúng tôi những dòng tin nhắn vẫn đều đặn được các bệnh nhân Covid-19 đã từng được anh cũng các đồng nghiệp cứu chữa trong 2 đợt dịch Covid-19 gửi tới.
Đôi khi là những lo lắng, thắc mắc về cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe, khi là lời hỏi thăm và cả những lời mời thân tình “khi nào hết sạch dịch mời bác sĩ đến nhà chơi”.
Trong điện thoại của BS. Toàn vẫn lưu lại tấm hình chụp lại những dòng thư đầy xúc động của người bệnh mắc Covid-19 “thoát chết trong gang tấc” gửi tới anh cùng các đồng nghiệp của mình trong ngày cuối rời khỏi bệnh viện khi sức khỏe đã hoàn toàn bình phục. Hay thư tri ân của một gia đình cả nhà 5 người cùng lúc mắc Covid-19 phải nằm viện điều trị.
Trong lời tri ân của bệnh nhân N.V.Đ (Hải Dương) có đoạn viết: “Thật xúc động trước tình cảm các y, bác sĩ đã dành cho tôi và những người bệnh được chăm sóc và điều trị tại đây. Thật cảm phục tấm lòng và tinh thần phục vụ của các y, bác sĩ đã cứu chữa và chăm sóc bệnh nhân. Đặc biệt là các bác sĩ chuyên gia đầu ngành của BV Bạch Mai như bác sĩ Toàn, bác sĩ Dũng và nhiều y sĩ khác mà tôi chưa kịp biết tên…”.
Hay trong bức thư cảm ơn của chị Nguyễn Thị Thanh Hoa viết: “Khi cả gia đình tôi biết bị mắc bệnh Covid-19, tất cả đều hoang mang, tuyệt vọng. Sau 20 ngày điều trị tích cực, bệnh tình hồi phục tốt, cả gia đình chúng tôi bật khóc vì vui mừng… Y, bác sĩ là những người hùng thật sự trong lòng chúng tôi…”.
“Những bức thư này được tôi mở ra đọc nhiều lần, sự tri ân của người bệnh chính là động lực để tôi bước tiếp”, BS. Toàn chia sẻ.
Xung phong lên tuyến đầu
Bác sĩ Vương Xuân Toàn trong “trận chiến” Covid-19 ở Hải Dương
Trở lại với công việc thường nhật nhưng với BS. Toàn, những chuỗi ngày sống và làm việc giữa tâm dịch Covid-19 không bao giờ quên. Đầu tháng 2, vừa trở về từ Đà Nẵng không lâu, nhận được tin nhắn rất ngắn gọn của lãnh đạo BV Bạch Mai: “Toàn về Hải Dương nhé”, không chần chừ, anh lập tức lên đường.
Chỉ có 1 tiếng chuẩn bị ngay trong đêm, ngoài ít vật dụng cá nhân, chiếc máy thở oxy lưu lượng cao để dành cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng là món đồ quan trọng nhất. Ngày anh đi, PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc BV Bạch Mai chỉ ngắn gọn 1 câu: “Cố gắng dồn hết tâm sức không để bệnh nhân nào tử vong”.
Tại Hải Dương, BS. Toàn được phân công cắm chốt ở Bệnh viện dã chiến số 2, cơ sở chuyên để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
BS. Toàn nhớ mãi về bệnh nhân N.V.Đ, 57 tuổi, vào viện đã có dấu hiệu khó thở nhưng 3 ngày sau bệnh tăng nặng đột ngột phải nhập phòng hồi sức tích ICU với phổi tổn thương lan tỏa cả hai bên, trắng xóa. Thật may mắn, 3 ngày thở máy bệnh nhân đáp ứng rất tốt, sau đó thở oxy thông thường và điều trị thêm 7 ngày thì xét nghiệm âm tính.
Hay có ca bệnh 60 tuổi, lái xe Công ty POYUN, được chuyển lên trong tình trạng suy hô hấp rất nặng và nguy kịch. Nhập viện 12 tiếng, bệnh nhân rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”, phải nhanh chóng ra quyết định có nên đặt ống nội khí quản hay không.
“Đây là ca bệnh nặng nhất ở Hải Dương, tại buổi hội chẩn toàn quốc đã phải tính đến phương án xấu nhất là chạy ECMO nhưng với nỗ lực dùng các biện pháp điều trị cho bệnh nhân, thật kỳ diệu, sau 3 ngày người bệnh rút được ống thở. Lời đầu tiên sau khi bệnh nhân được rút ống thở chính là hai chữ “cảm ơn” khiến đội ngũ y bác sĩ lúc đó vô cùng cảm động và thở phào nhẹ nhõm”, BS. Toàn kể.
Những ngày tiếp theo, bệnh nhân nhập viện dồn dập, số lượng đông, những bệnh nhân bị tổn thương phổi lên tới trên 200 người, trong đó có nhiều ca chuyển nặng rất nhanh.
“Hải Dương có ít bác sĩ chuyên ngành hồi sức, hoặc có những bác sĩ chưa bao giờ điều trị bệnh nhân nặng như vậy nên chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, tất cả ca bệnh nặng tôi phải đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ tuyến dưới, vừa trực chiến lúc bệnh nhân trở nặng”, BS. Toàn chia sẻ.
Công việc ở đó, ngày nào cũng bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt mới rời về khu nghỉ ngơi nhưng điện thoại của bác sĩ trẻ 24/24h không được phép hết pin để nhận điện thoại của các đồng nghiệp trực bất kỳ khi nào cần.
Chuyện nửa đêm bệnh nhân trở nặng anh lại tất tả quay ngược vào viện là rất đỗi bình thường. Cứ thế, hơn 1 tháng đương đầu với các ca bệnh nặng, BS. Toàn đã cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Dã chiến số 2 cứu sống nhiều người mắc Covid-19 nguy kịch.
Nhắc lại trận chiến ở Đà Nẵng, đôi mắt BS. Toàn chợt thoáng buồn, vì bệnh nhân nặng khó khăn hơn rất nhiều. Sức khỏe của họ đã yếu sẵn, nay lại thêm Covid-19 giống như “sợi rơm cuối cùng áp chết con lừa già đã chở nặng”.
Tiên lượng sức khỏe của họ đã rất xấu ngay từ khi phát hiện ra Covid-19. Cũng vì lẽ đó, BS. Toàn và đồng nghiệp đã không ít lần đã phải đối mặt với đau thương khi “lực bất tòng tâm”, cho dù đã dành máy móc tốt nhất, thuốc tốt nhất, sự tận tâm và cố gắng nhất.
Trước khi chia tay để trở về ca trực, anh không quên chia sẻ thêm: “Chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần, khi người bệnh gọi”.
Luôn là người có mặt sớm nhất tại các tâm dịch Đà Nẵng, Gia Lai, Điện Biên, Hải Dương, TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Từ cuộc chiến Covid-19, đội ngũ thầy thuốc mới thấm thía hai chữ “tình người”, thấy hết được sự bao bọc, chia sẻ với nhau trong những ngày chống dịch. Cũng ở đây nhiều kỳ tích xuất hiện, các bệnh viện dã chiến được lập lên chỉ trong thời gian rất ngắn 3 - 7 ngày để điều trị khẩn cấp với lượng bệnh nhân tăng bất ngờ; hay những tình huống lội ngược dòng hồi sinh các bệnh nhân nguy kịch giữa ranh giới của sự sống - chết…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận