Khi nghề chọn người
Đầu năm mới, Trung tâm hồi sức tim mạch và lồng ngực BV Hữu Nghị Việt Đức rộn ràng tiếng nói cười của 2 bệnh nhân nhí ghép tim tới khám định kỳ. "Quá hạnh phúc vì kết quả khám sức khỏe của trẻ đáp ứng rất tốt sau ghép. Bé V tuy nhỏ tuổi nhưng tự lập và bản lĩnh", TS Phạm Tiến Quân, Trưởng khoa hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực, BV Hữu Nghị Việt Đức cho hay.
Bác sĩ Phạm Tiến Quân điều trị cho một bệnh nhân nặng.
Chị N.V.D, mẹ của hai cháu nhỏ xúc động chia sẻ: "Đã có lúc tôi tưởng như gục ngã bởi bệnh tình của con quá nặng. Nhưng lời động viên, chia sẻ kịp thời và cả sự quan tâm điều trị, chăm sóc chu đáo của lãnh đạo trung tâm, của bác sĩ Quân và các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây… đã cho tôi có thêm niềm tin.
Hồi sức một ca bệnh khó là thành công không chỉ của bác sĩ, mà là dấu ấn cả ê-kip, một bệnh viện, thậm chí là thành quả của cả ngành y tế. Điều này mang đến sự thăng hoa trong nghề nghiệp. Với bác sĩ hồi sức, cảm giác đó mạnh hơn vì được chứng kiến tiến trình của người bệnh, đưa họ hồi sinh từ cửa tử để về với gia đình.
BS Nguyễn Tiến Quân
Có thời điểm, con nằm trong phòng hậu phẫu rất nguy kịch, gia đình chỉ có thể ở ngoài chờ thông tin nhưng vợ chồng tôi cảm nhận được trách nhiệm và tình cảm của các bác, các cô".
Mới đây, một người bệnh mổ lóc động mạch sau khi thoát cửa tử đã quay lại bệnh viện tặng TS Quân ít chả mực và xu hào, cà rốt muối. Kèm theo đó là những chia sẻ về việc bệnh nhân trở về trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm.
Nghe nhiều người hỏi "vẫn còn sống à", bệnh nhân đã rơi nước mắt, không tin vào điều thần kỳ đã diễn ra.
Chia sẻ về cơ duyên với công việc hiện nay, TS Phạm Tiến Quân nói: "Đó là nghề chọn người. Tất cả đều rơi đúng thời điểm để tôi quyết định gắn bó với chuyên ngành này".
Năm 2001, tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng, BS Quân về BV Hữu nghị Việt Đức học việc và ở lại đây với vị trí đầu tiên là bác sĩ gây mê hồi sức tại Trung tâm gây mê hồi sức. Đến tháng 4/2010, BS Quân được thuyên chuyển sang Trung tâm tim mạch và lồng ngực, phụ trách mảng hồi sức tim mạch.
"Thời đại học, tôi thích chuyên ngành ngoại khoa và thích nhất là phẫu thuật thẩm mỹ, tai mũi họng hoặc răng hàm mặt. Nhưng khi xin đi làm, cơ sở tuyển dụng đã đưa tôi đến với chuyên ngành gây mê hồi sức. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú chuyên ngành này, tôi gắn bó với BV Hữu nghị Việt Đức cho đến bây giờ", BS Quân nói.
Lựa chọn đi vào một lĩnh vực chuyên sâu, tạo thế mạnh riêng cho mình, BS Quân sang hồi sức tim mạch. Từ lựa chọn thuốc hồi sức cho quả tim bị bệnh kéo dài, tim người lớn khác biệt với tim trẻ em và tim ghép, đến ứng dụng các thiết bị cơ học vào hồi sức bệnh nhân như bóng đối xung nội động mạch chủ, ECMO hoặc lọc máu liên tục… mà trước đó chưa hoặc chỉ áp dụng rất ít.
Tìm tòi và học hỏi, BS Quân cùng các đồng nghiệp trong khoa hồi sức tích cực tim mạch ứng dụng nhiều kỹ thuật mới phối hợp cùng với ngoại khoa đã cứu được nhiều bệnh nhân nặng, giảm các ca tử vong, góp phần tạo nên kỳ tích trong nhiều ca ghép tạng tim, phổi…
Đối diện ám ảnh
Khu vực dành cho hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực nằm khuất nẻo, yên tĩnh trên tầng 2 của tòa nhà nằm sâu trong khuôn viên BV Hữu nghị Việt Đức. Âm thanh xuất hiện thường nhật là tiếng tít tít liên hồi của hệ thống máy móc theo dõi hỗ trợ sự sống cho các bệnh nhân rất nặng, là tiếng va chạm thật nhẹ của dụng cụ y tế mỗi khi thăm bệnh, là lời hỏi đáp giữa bác sĩ và bệnh nhân, hoặc chỉ là câu trả lời bằng cử chỉ rất khẽ…
Bác sĩ Phạm Tiến Quân.
Trong bối cảnh tưởng bình yên đến kỳ lạ đó, có những giây phút rầm rập bước chân vội vã lao đến khi bệnh nhân bất ngờ xảy ra sự cố ngoài dự liệu, là những phút giây cân não đòi hỏi người thầy thuốc ra quyết định nhanh, chuẩn xác phương án cứu bệnh nhân đang ở lằn ranh sống – chết, là nụ cười và tiếng thở phào nhẹ nhõm khi bệnh nhân lấy lại nhịp đập trái tim và là cả tiếng khóc nghẹn khi những nhân viên y tế "lực bất tòng tâm" không thể dắt tay người bệnh trở lại cuộc sống.
"Có lẽ điều thiệt thòi của ngành hồi sức đó chính là việc luôn phải đối diện về mặt cảm xúc. Khi bệnh nhân mất, người thầy thuốc phải chia sẻ, giải thích với người nhà, lúc đó có rất nhiều thái cực, có người mạnh mẽ kìm nén cảm xúc thì ngồi lắng nghe và chấp nhận sự thật. Cũng có người không kìm nén được có thể khóc, to tiếng trách móc.
Đặc biệt với bệnh nhân trẻ em, khi thất bại trong cấp cứu, nhìn đứa trẻ ra đi trong sự bất lực của thầy thuốc và nhân viên y tế, cảm xúc buồn khó tả, thậm chí ám ảnh. Với chúng tôi, mỗi trường hợp để lại một cảm xúc riêng, tác động lên tâm lý", BS Quân chia sẻ.
Theo TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, hồi sức tích cực là công việc khiến bác sĩ, điều dưỡng đối diện với những căng thẳng, áp lực: "Không những phải liên tục theo dõi người bệnh để xử trí kịp thời các trường hợp khẩn cấp, các bác sĩ còn phải nhanh chóng đưa ra các phương án điều trị tối ưu theo từng diễn tiến, tình trạng của người bệnh. Thực sự đây là công việc vô cùng vất vả".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận