Xã hội

Bác sĩ xuyên Tết chống Covid-19: "Có nhiều chuyện chưa có trong tiền lệ"

13/02/2021, 09:00

Từng sang Guinea Xích đạo đưa người Việt về nước, điều trị cho nữ bệnh nhân 17, bác sĩ Thân Mạnh Hùng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với... Covid-19.

img

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

"Tết năm nay, chúng tôi đã chủ động hơn"

Những ngày đầu xuân Tân Sửu (2021), chia sẻ với Báo Giao thông, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nói về những kỷ niệm đáng nhớ trong một năm "đồng hành" cùng các bệnh nhân Covid-19, trong đó có trường hợp bệnh nhân số 17 – từng làm xôn xao dư luận hay những phút giây trên chuyến bay đưa công nhân Việt Nam từ Guinea Xích đạo trở về nước.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đến thời điểm này cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, số bệnh nhân người nhập cảnh về Việt Nam bị lây nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Bác sỹ có thể chia sẻ về kế hoạch "trực chiến" của bệnh viện trong dịp Tết này?

Tết năm nay, trải qua 1 năm "chiến đấu" cùng dịch bệnh Covid-19, có thể nói rằng, chúng tôi đã có kinh nghiệm khi điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân Covid-19. Đó không chỉ là thành công của Bệnh viện mà chính là thành công chung của toàn xã hội trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Tết năm nay, Ban lãnh đạo Bệnh viện xác định không chủ quan, luôn sẵn sàng các kịch bản cho tình huống xấu nhất xảy ra, nhất là khi Bệnh viện đang điều trị các ca dương tính ở khu riêng.

Chúng tôi đã bố trí nhân lực với các kịch bản sẵn sàng. Những y bác sĩ tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong năm nay trước khi trở về nhà phải thực hiện cách ly đúng 14 ngày và xét nghiệm âm tính 3 lần. Sau đó sẽ có nhóm khác vào thay thế.

Ngoài kịch bản 10, 100 bệnh nhân mắc bệnh, Bệnh viện cũng chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất. Lúc đó, nếu nhân lực Bệnh viện không đủ thì sẽ huy động các y bác sĩ của bệnh viện khác hỗ trợ. Trong trường hợp đó tất cả bệnh nhân đang điều trị tại đây sẽ chuyển toàn bộ sang Bệnh viện khác.

Năm nay đặc biệt hơn mọi năm, chúng tôi đều trong tâm thế phải sẵn sàng lúc Bệnh viện xảy ra kịch bản xấu.

Sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất, nhưng dường như bác sỹ đã tự tin hơn trong công tác phòng chống dịch Covid-19?

Năm ngoái, chúng tôi ở trong tâm thế sẵn sàng đón nhận tình huống chưa từng biết đến, chưa biết "kẻ thù" của mình như thế nào.

Năm nay khác hơn, đó là chúng tôi đã có kinh nghiệm trong xử trí, điều trị, đã biết tác nhân gây bệnh tương đối rõ ràng. Tôi nghĩ Tết năm nay, mình đã chủ động, tự tin hơn.

Còn gia đình ông, đã quen với việc ông lại vắng nhà xuyên Tết đi "trực Covid-19"?

Là bác sỹ, cá nhân tôi và gia đình đã quen với việc vắng nhà vào dịp Tết. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chuyện vắng nhà 2, 3 tháng là bình thường.

"Tôi từng rất lo lắng khi đồng nghiệp nhiễm Covid-19"

Bệnh viện đã có giải pháp nào để giảm tâm lý cho người bệnh khi phải nằm viện trong dịp Tết?

Đây là vấn đề mà không phải bây giờ mới đặt ra. Hằng năm, Bệnh viện đã phối hợp cùng nhiều đơn vị bên ngoài triển khai nhiều hoạt động như thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị trong dịp Tết.

Không bao giờ có chuyện bệnh nhân về hết trong dịp Tết, năm nào cũng có những bệnh nhân nặng ở lại điều trị. Cho nên, chúng tôi xác định dành những món quà cho các bệnh nhân này chính là sự hỗ trợ về tinh thần để giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà trong dịp Tết, an tâm điều trị bệnh.

Nhớ lại năm vừa qua, có hai y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị lây nhiễm SARS-CoV-2 từ người bệnh. Cảm xúc của bác sỹ khi phải điều trị cho những người đồng nghiệp của mình?

Thời điểm đó, tâm lý của chúng tôi rất lo lắng. Thứ nhất, bản thân đồng nghiệp ở Trung Quốc có những trường hợp còn trẻ, không bệnh lý nền nhưng đã tử vong.

Thứ hai, thời điểm đó, chúng tôi chỉ mặc quần áo phòng hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân chứ giữa bác sĩ với bác sĩ không có chuyện này.

Ngay khi hai bạn ấy bị lây nhiễm, lo sợ ảnh hưởng đến công tác điều trị nên chúng tôi đã siết chặt quy trình thăm khám, tiếp xúc. Những quy trình đó vẫn phát huy hiệu quả tích cực.

Tôi còn nhớ nhiều kỷ niệm đã thể hiện tính cách của hai bạn đó. Lúc phải cách ly, hai bạn ngày 2 lần đều hỏi xem đồng nghiệp của mình có ai còn bị lây nhiễm hay không. Thay vì lo cho sức khỏe của mình các bạn lại lo lây cho người khác. Đó là tình đồng đội.

Điều trị cả bệnh lẫn tâm lý cho bệnh nhân Covid-19

Kỷ niệm về việc điều trị ca bệnh Covid-19 nào làm bác sỹ nhớ nhất?

Tôi nhớ bệnh nhân 17 (BN17), trong bối cảnh cả nước đã ổn định thì bạn ấy lại bị lây nhiễm, đây cũng là ca bệnh bắt đầu làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Việt Nam.

BN17 vào bệnh viện đúng ca trực của tôi. Rất may, chúng tôi đã lập tức đưa bạn ấy vào phòng áp lực âm, vì BN17 có biểu hiện lâm sàng, ngày hôm sau cho kết quả dương tính. Do cách ly từ sớm, nên không bị lây nhiễm ra người khác trong Bệnh viện.

BN17 thời điểm đó khiến mạng xã hội "dậy sóng" nên bị áp lực rất nhiều. Quá trình điều trị, tôi thấy bạn ấy bị hoảng loạn về tâm lý nên đã nhắn tin cho bạn ấy khóa tài khoản mạng xã hội. Đã có lúc, vì lo ảnh hưởng đến kết quả điều trị, tôi còn nghĩ đến việc thu điện thoại để cách ly bạn ấy với mạng xã hội.

Bác sĩ chúng tôi không nghĩ đến chuyện đúng sai của bệnh nhân mà mục tiêu là phải điều trị tốt cho bệnh nhân. Sức khỏe và tính mạng bệnh nhân là quan trọng nhất.

Do đó, ca bệnh này, chúng tôi điều trị cả bệnh lẫn tâm lý. Quá trình điều trị không được nói chuyện mà chỉ nhắn tin cho bạn ấy. Chắc là phải sau khi rời viện rất lâu thì bạn ấy mới biết mặt tôi.

Luôn chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc bị lây nhiễm

Còn về chuyến đi cứu công dân Việt Nam ở Guinea Xích đạo, chắc đây là một kỷ niệm khó quên của cuộc đời bác sý?

Đó là chuyến đi giàu cảm xúc không chỉ đối với cá nhân mà cả đoàn. Từ khi nhận được nhiệm vụ làm trưởng đoàn y tế đi đón công dân ở Guinea Xích đạo, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc bị lây nhiễm. Bởi trong đoàn công dân trở về nước này có hơn một nửa bị lây nhiễm trong đó có nhiều ca phải nhập viện ở nước bạn.

Nói không lo lắng cho bản thân là không đúng nhưng lo lắng nhất là việc có hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Lúc đưa công dân trở về, trên máy bay áp suất lớn, nguy cơ một số bệnh nhân diễn biến nặng. Điều băn khoăn nhất là phải chuẩn bị gì vì đây là chuyến bay chưa có tiền lệ.

Chúng tôi đã phải tự mày mò trong khuôn khổ một buổi chiều từ vật tư, trang thiết bị, máy móc, phương án cấp cứu bệnh nhân ở trên máy bay. Do máy bay không gian hẹp không đưa được máy móc lên nhiều. Nhiệm vụ là đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, không để lây nhiễm từ người đã nhiễm sang những người chưa nhiễm.

Xin cảm ơn bác sỹ!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.