Ảnh minh họa |
Theo Thông tư số 42 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm (có hiệu lực từ 15/10/2018), chương III của Thông tư số 89/2015 quy định về kiểm định xe máy chuyên dùng được bãi bỏ.
Đơn vị, cá nhân không còn phải thực hiện hàng loạt thủ tục như hiện nay, trong đó có việc nộp, thẩm định hồ sơ thiết kế phương tiện sản xuất, lắp ráp trong nước; kiểm tra, thử nghiệm mẫu định hình; hồ sơ kiểm tra sản phẩm, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở; kiểm tra trong quá trình sản xuất, lắp ráp...
Cùng đó, quy định mới cũng bãi bỏ quy định về lưu trữ hồ sơ tại cơ quan đăng kiểm như hiện nay. Các cơ sở lắp ráp, cải tạo chỉ có trách nhiệm tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng phương tiện, lưu trữ hồ sơ phương tiện tối thiểu trong 2 năm; Không phải thực hiện các quy định thiết lập hệ thống quản lý chất lượng và theo dõi thông tin về các khách hàng; Thiết lập hệ thống thu thập các thông tin về chất lượng sản phẩm, phân tích các lỗi kỹ thuật và lưu trữ lại các thông tin có liên quan.
Một điểm đáng chú ý, liên quan đến Thông tư số 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện đường bộ, thông tư mới sửa đổi Khoản 4, Điều 4 thành: “Không cải tạo xe cơ giới loại khác thành xe chở người và ngược lại, trừ trường hợp xe chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe chuyên dùng hoặc xe ô tô tải VAN”. So với quy định hiện hành, loại xe trên chỉ được phép cải tạo chuyển đổi thành xe tải VAN.
Cũng trong lĩnh vực cải tạo xe cơ giới, thời hạn tối đa cấp chứng nhận thẩm định kết quả thiết kế cải tạo xe cơ giới là 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, giảm 2 ngày so với quy định hiện hành. Trường hợp không cấp, cơ quan thẩm định báo lại sau 2 ngày làm việc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận