Những bé gái bán hàng ở chợ đêm Sapa |
Với Sa Pa, tôi không hẳn là một người lạ, bởi gần hai chục năm trở lại đây đã có dịp qua lại vài lần. Nhưng từ khi có đường cao tốc và cáp treo lên Fansipan thì chuyến du xuân này là lần đầu tôi quay trở lại.
Đường ra vào TX Sa Pa đông nghẹt ngay ngày mùng 3 Tết. Hàng chục sạp bán rau cải mèo xưa là chỗ dừng chân thi vị cho khách mua quà miền núi về Hà Nội giờ thành những điểm đen giao thông. Năm bảy xe đỗ lại mua rau là đường ùn ứ, phía sau cửa kính xe là những gương mặt cau có, bực dọc của người bị cản đường.
Xe vào đến “phố Tây” giữa thị xã lập tức bám đuôi nhau giành từng chỗ đỗ không khác gì trung tâm Bờ hồ Hà Nội. Phố núi trong sương giăng mất đôi phần lãng mạn bởi những “chiến xa” 7 chỗ đen trũi ép người đi bộ len qua những khoảng trống nhỏ hẹp còn sót lại mới ngắm được thung lũng ruộng bậc thang.
Ở đây mọc lên vô vàn nhà nghỉ, khách sạn, mật độ có thể so sánh với Sầm Sơn thời hoàng kim. Người bán hàng đầu phố Mường Hoa nói: “Có cao tốc, dân du lịch lên hàng ngày, chứ không chỉ dịp nghỉ lễ hay cuối tuần. Khách đông, chúng tôi kiếm ăn tốt”.
Thật mừng là Sa Pa vẫn ngập tràn những bộ quần áo dân tộc truyền thống nhiều sắc màu của người Mông, người Dao. Những người phụ nữ Dao đầu quấn khăn đỏ ngơi tay bán đồ thổ cẩm là lại cắm cúi thêu nốt chỗ dở. Những cậu thanh niên thổi khèn đồng loạt mặc áo khoác xanh chàm vẫn còn họa tiết của người Mông nhưng dáng áo đã được cách tân trông gọn gàng và mạnh mẽ.
Nhưng thật buồn là hình ảnh các bé gái tầm 6-8 tuổi trông nhỏ con như mới lên 4, lên 5 liên tục mời chào khách du lịch mua hàng lưu niệm. Xót xa hơn, trên những góc phố nhỏ, rét buốt, vào nửa đêm, tôi chứng kiến những cô bé ngáp dài, cô đơn với mẹt hàng trước mặt. Chúng chỉ dọn đồ ra về khi đã thưa khách. Tôi đã đi lại nhiều lần dọc con phố ấy chỉ để tìm xem bố mẹ của chúng đâu nhưng không thấy. Có lẽ, việc bán mấy món đồ không mấy nặng nhọc so với việc băng đồi hay đi chăn dê và trẻ em bán hàng thì dễ làm mủi lòng du khách hơn người lớn. Chúng cũng chả than thở gì khi được “khoán” cho mẹt hàng ngồi thâu đêm, suốt sáng dưới sương mù. Những hình ảnh nhói lòng đó diễn ra trước mắt du khách, trước mắt chính quyền sở tại nhưng có điều dường như những người có trách nhiệm ở cái thị xã du lịch này coi đó là việc quá đỗi bình thường đến mức vô cảm.
Dòng chữ "L ơi, anh yêu em" và hình ngôi nhà mới được khắc phá nát các hoa văn, ký tự cũ trên phiến đá cổ |
Bất ngờ hơn nữa khi chúng tôi tới bãi đá cổ Sa Pa tại xã Hầu Thào, nơi được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia với hàng chục phiến đá khắc hình thù hoa văn độc đáo, có hình ruộng bậc thang, có những họa tiết như ký tự cổ... Dưới ánh sáng yếu ớt cuối ngày, một vài khách du lịch không khỏi thốt lên thành tiếng khi chính giữa phiến đá cổ khắc ghi những dòng chữ “L. ơi, anh yêu em” hay hình trái tim với chữ lồng và mũi tên xuyên qua. Trên lối đi xuống bãi đá, lũ trẻ con phấn khởi chỉ trỏ vào hình chim chóc, thiên nga thậm chí là... ô tô rất rõ nét. Ở vài phiến đá khác đã không còn nhìn thấy dấu vết chạm khắc gì. Du khách cả lớn lẫn bé ra sức trèo lên mỏm đá tìm kiếm, chụp ảnh và góp sức làm mờ nốt những nét chạm trổ đã mòn vẹt.
Không hề có một biển báo cấm xâm hại di tích bằng tiếng Kinh hay tiếng dân tộc, tôi đồ rằng chỉ chục năm nữa những họa tiết cổ được chạm khắc ở đây sẽ hoàn toàn biến mất dưới mưa nắng, dưới vết chân chơi đùa của du khách.
Ở Sa Pa, hầu như vào điểm du lịch nào cũng bán vé tham quan, giá từ 70 đến cả trăm nghìn đồng/người nhưng nếu vẫn giữ cách làm du lịch như hiện nay e rằng vài năm nữa, ngoài lên đỉnh Fansipan, du khách không còn nhiều thứ để xem.
Việt Nam đang đặt mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành du lịch trả lời được 5 câu hỏi, trong đó có việc làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với bạn bè người thân thay vì chê bai, kể xấu về Việt Nam? Soi vào những điều vừa thấy ở Sa Pa, rõ ràng ngành du lịch và chính quyền địa phương còn rất nhiều việc để làm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận