Lộ nhiều lỗ hổng sau thảm kịch tàu Titanic
Năm 1912, khi tàu Titanic rời cảng ở TP Southampton, Anh, phương tiện này được đánh giá là tàu chở khách lớn, hiện đại nhất vào thời điểm đó. Tàu được trang bị những công nghệ hàng hải tối tân tới mức nhiều người tin chắc phương tiện không thể chìm.
Chẳng hạn, Titanic được trang bị cửa ngăn nước tự đóng nhằm hạn chế ảnh hưởng tới toàn bộ con tàu trong trường hợp thân tàu thủng.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến hơn 1.500 người thiệt mạng trong thảm kịch tàu Titanic lại nằm ở chỗ tàu không trang bị đủ xuồng cứu sinh. Theo kết quả điều tra sau vụ tai nạn của Chính phủ Anh (tàu Titanic mang cờ Anh), số lượng xuồng cứu sinh trên tàu chỉ đủ cho 1.178 người, tương đương 50% số người có mặt trên tàu.
Thảm kịch tàu Titanic xảy ra vào năm 1912 (Ảnh: Getty)
Theo bài đăng về tàu Titanic của Thư viện Quốc hội Mỹ (LOC), quy định hàng hải ban hành năm 1894 của Anh chỉ yêu cầu tàu chở khách lớn nhất trang bị số xuồng cứu sinh đủ chứa 990 người. Vì thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách Anh tính toán số lượng xuồng cứu sinh dựa trên lượng giãn nước của tàu, chứ không dựa trên số lượng hành khách.
Lúc ấy, Mỹ (quốc gia nơi tàu Titanic đến) cũng chấp thuận các quy định hiện hành của Anh.
Do đó, rút kinh nghiệm từ vụ việc, giới chức Mỹ thay đổi quy định, yêu cầu các tàu cập cảng tại quốc gia này cần tuân thủ quy định của Washington.
Ngoài ra, giới chức các nước trên thế giới cũng thay đổi các tiêu chuẩn an toàn hàng hải quốc tế, thông qua Công ước SOLAS vào năm 1914.
Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Công ước SOLAS được coi là hiệp ước quốc tế quan trọng nhất về an toàn của tàu buôn. “Phiên bản đầu tiên của Công ước được thông qua năm 1914 nhằm rút kinh nghiệm từ thảm họa tàu Titanic”, theo nội dung trên trang web của IMO.
Công ước SOLAS được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1929, 1948, 1960 và 1974 để lấp lỗ hổng trong quy định an toàn hàng hải sau thảm họa tàu Titanic. Trong đó có thêm một số quy định như số xuồng cứu sinh, phao cứu sinh phải tương ứng 125% số lượng hành khách, thủy thủ đoàn có mặt trên tàu. Công ước cũng đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu cần tuân thủ trong quá trình chế tạo, trang bị và vận hành tàu buôn.
Bài học sau tai nạn tàu Titan
Sau vụ tai nạn thảm khốc của tàu Titan hôm 18/6 vừa qua, các chuyên gia hàng hải cũng cho rằng cần rút ra những bài học kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung quy định an toàn hàng hải tương tự.
Hiện tại, công nghệ sử dụng trên tàu Titan quá mới và chưa được các cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp chứng nhận nhưng, tàu vẫn đi vào hoạt động, thực hiện nhiều hành trình chở khách tham quan xác tàu Titanic.
Ngoài ra, theo ông Sal Mercogliano - Giáo sư tại Đại học Campbell (bang North Carolina, Mỹ), tàu Titan hoạt động tại vùng biển quốc tế do đó, không cần tuân thủ các quy định hàng hải của quốc gia mà tàu mang cờ.
Tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions (Ảnh: OceanGate)
Từ đây, hãng tin CNN dẫn lời một số chuyên gia hàng hải cho rằng cần nâng cao tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho hành khách tham gia các chuyến du lịch mạo hiểm, thậm chí, cập nhật các quy định quốc tế đối với loại hình du lịch này.
Ngoài ra, ông James Cameron - đạo diễn bộ phim “Titanic” ra mắt năm 1997, từng 33 lần tham gia chuyến tham quan xác tàu Titanic, cho rằng, những người lên tàu lặn cần chắc chắn rằng phương tiện đã được các cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận.
“Hàng ngày, khi bước vào thang máy, chúng ta đều phó thác sinh mạng cho các kỹ sư. Chúng ta tin tưởng các kỹ sư đã hoàn thành tốt quá trình bảo dưỡng thang máy và thiết bị đã được cấp chứng nhận. Vậy chúng ta cũng cần có sự cảnh giác tương tự khi lên tàu lặn”, theo ông Cameron.
Vị đạo diễn cho rằng có điểm tương đồng giữa 2 vụ tai nạn hàng hải xảy ra cách nhau 111 năm.
“Tàu Titanic chìm vì dù đã được cảnh báo nhiều lần, thuyền trưởng vẫn cho tàu lao hết tốc lực vào núi băng trôi trong đêm không trăng, tầm nhìn kém. Còn trong tai nạn tàu Titan, đã có nhiều cảnh báo tàu lặn chưa được cấp chứng nhận nhưng không hề được coi trọng”, ông Cameron cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận