Chuyện dọc đường

Bài học từ vụ án đi vào lịch sử tư pháp

18/12/2019, 06:37

Hai tuần cuối cùng của năm 2019, thương vụ MobiFone mua AVG được đưa ra xét xử đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và truyền thông cả nước.

img
Ông Nguyễn Bắc Son tại phiên tòa

Đây là một vụ án đi vào lịch sử ngành Tư pháp nước nhà, khi lần đầu tiên, hai cựu Bộ trưởng cùng gần chục cán bộ cấp vụ, cục ngồi ghế bị cáo.

Cũng là lần đầu tiên, ghi nhận một vụ án mà bị cáo thực hiện hành vi phạm tội khi đang đứng đầu một Bộ, với thiệt hại tài sản của Nhà nước số tiền cực lớn, lên đến hơn 6.590 tỷ đồng.

Đặc biệt, số tiền hối lộ cực khủng, từ vài trăm ngàn đô la đến vài triệu đô la mà các bị cáo - cựu quan chức đã nhận trong thương vụ mua bán này cũng khiến dư luận bàng hoàng.

Trả lời HĐXX, các bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã khiến dư luận “sốc” khi thừa nhận những khoản tiền cực khủng một cách cực nhẹ nhàng, thậm chí coi đó như quà biếu lễ, Tết. Bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng còn gây “sốc” hơn khi sau một hồi vòng vo phủ nhận, thì đã khai lại: “Đã nhận 3 triệu đô la hối lộ” nhưng “đã tiêu xài cá nhân hết”.

Tại đại án này, hành vi đưa và nhận hối lộ - vốn diễn ra rất kín đáo, khó có thể bị phát hiện đã được làm rõ. Và phần lớn các bị can, trừ ông Nguyễn Bắc Son, đã cùng gia đình tích cực nộp lại số tiền đã chiếm đoạt để khắc phục hậu quả.

Có thể nói, đây là một thành công trong công tác điều tra, đấu tranh với tội phạm tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng, bởi để buộc các bị cáo phải cúi đầu thừa nhận hành vi đưa - nhận hối lộ là điều không hề đơn giản, đòi hỏi cả sự “đấu trí” và “đấu lực” bền bỉ.

Đây cũng sẽ là một bài học “nhãn tiền” cho những đối tượng đã, đang và sẽ thực hiện hành vi đưa - nhận hối lộ.

Theo dõi những tình tiết của vụ án dần được làm rõ, nhất là diễn biến tại phiên tòa, khó có ai tránh khỏi cảm giác đắng đót khi hai cựu Bộ trưởng, nhiều bị cáo đã thú nhận “thời điểm đó, tôi chẳng hiểu gì cả”, “lãnh đạo cấp trên bảo tôi ký thì tôi ký thôi”. Đến nỗi, thẩm phán phiên tòa phải kinh ngạc thốt lên “chẳng hiểu gì cả nhưng sao vẫn chễm chệ trên ghế Bộ trưởng, Chủ tịch HĐTV”(?!)

Nói về đại án này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) nhìn nhận, không thể lảng tránh được rằng việc quản lý Nhà nước về kinh tế, hệ thống giám sát quyền lực, công tác cán bộ của chúng ta giai đoạn đó còn lỏng lẻo... Ngoài ra, dân chủ trong Đảng ủy Bộ TT&TT lúc đó chỉ là hình thức khi có người biết sai lầm này, nhưng không dám nói. Tuy nhiên, việc lần đầu tiên chúng ta đưa ra trước ánh sáng một người đứng đầu một Bộ cùng rất nhiều cán bộ khác phạm tội nhận hối lộ đã phản ánh quyết tâm chính trị rất cao của Đảng.

Dự kiến, phiên tòa kết thúc khi năm 2019 khép lại, đánh dấu một năm chống tham nhũng quyết liệt “không có vùng cấm”, “không loại trừ ai”.

Phiên tòa cuối năm này cũng sẽ để lại những bài học đắt giá, “rút kinh nghiệm để mạnh mẽ vươn lên, vấp nhưng không được ngã” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT diễn ra hồi đầu năm về đại án này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.