Nhận tổng mức án 43 tháng tù vì hai tội danh “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tài xế sử dụng giấy phép lái xe giả gây tai nạn chết người tỏ ra ân hận.
Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp vận tải khi tuyển dụng lái xe.
Bị cáo Phạm Đình Thành tại tòa
Ân hận muộn màng
Phiên tòa xét xử bị cáo Phạm Đình Thành (SN 1996, trú tại thôn Vĩnh Xuyên, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) diễn ra trong một ngày mưa rét, dịch Covid-19 vẫn diễn biến căng thẳng nên vắng người tham dự. Ngoài Hội đồng xét xử, chỉ có một đại diện phía bị hại.
Trước tòa, bị cáo luôn cúi gằm, khuôn mặt bịt kín khẩu trang vẫn lộ ra ánh mắt buồn rầu, mệt mỏi. Thành nhanh chóng thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như cáo trạng nêu.
Khoảng 5h10 ngày 12/1/2021, tại nơi giao nhau giữa đường nhánh với Quốc lộ 37 (đoạn Km 34 + 370 Quốc lộ 37, thuộc địa phận xã Nghĩa An, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), Thành điều khiển xe ô tô tải BKS 22C - 014.06 lùi theo hướng từ đường nhánh ra Quốc lộ 37.
Do lùi xe tại nơi không được phép (là nơi đường bộ giao nhau), không có người cảnh giới để đảm bảo an toàn, nên đã dẫn đến va chạm với xe mô tô BKS 34E1 - 193.72 do anh Đào Kim Long (SN 1997 ở thôn Mai, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) điều khiển theo hướng cầu Ràm đi vòng xuyến xã Nghĩa An. Hậu quả vụ tai nạn khiến anh Long tử vong tại hiện trường.
Đáng nói, Thành không có giấy phép lái xe theo quy định. Trước đó, Thành sử dụng giấy phép lái xe hạng C mang tên Phạm Đình Thành (là giấy phép lái xe giả) để xin việc tại Công ty TNHH Môi trường xanh Hải Dương (trụ sở tại Cầu Ràm, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang). Chiếc xe Thành điều khiển thời điểm xảy ra tai nạn chính là xe của Công ty TNHH Môi trường xanh Hải Dương.
Tại phiên tòa, Thành trình bày chỉ vì muốn có công việc mưu sinh, nên liều lĩnh mua giấy phép lái xe giả để xin việc, rồi điều khiển xe gây tai nạn khiến anh Long tử vong.
Thành tỏ ra ân hận vì sự thiếu hiểu biết, nông nổi của mình đã cướp đi một mạng người và cúi đầu xin lỗi gia đình bị hại, mong được sự lượng thứ.
“Đây là bài học lớn cho bị cáo và nhiều người tham gia giao thông khi đã không chấp hành đúng luật giao thông”, Thành nói trong sự ăn năn.
Phía gia đình nạn nhân cho biết, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, anh Long đang làm công nhân tại một công ty thuộc Khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) và là con út trong gia đình. Hôm đó, anh Long đang trên đường tới công ty làm việc thì gặp nạn.
“Long còn quá trẻ, cả tương lai phía trước, không những thế còn là trụ cột của gia đình”, một người thân bị hại nghẹn ngào.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Phạm Đình Thành 36 tháng tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và 7 tháng tù về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, tổng cộng mức án là 43 tháng tù.
Bài học cho các doanh nghiệp vận tải
Hiện trường vụ tai nạn khiến anh Long tử vong
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong vụ án này, tài xế vừa vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả chết người; vừa sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Khi tuyên mức án tổng cộng 43 tháng tù, tòa đã xem xét tình tiết giảm nhẹ.
“Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô này đã có lỗi gây vụ việc TNGT chết người thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Điều 260, Bộ luật hình sự.
Với tình tiết không có GPLX, tài xế có thể phải đối mặt với khung hình phạt lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, người sử dụng GPLX giả gây TNGT có thể bị xử lý đến 2 năm tù theo Điều 341, Bộ luật Hình sự. Như vậy, với hai tội danh, tổng hợp hình phạt cao nhất có thể lên đến 12 năm tù”, luật sư Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng, vụ án nêu trên là bài học cho các doanh nghiệp vận tải khi tuyển dụng lái xe. Nếu như có một vụ tương tự xảy ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp vận tải.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy doanh nghiệp vận tải biết rõ người lái xe sử dụng giấy phép lái xe giả nhưng vẫn đồng ý để họ thực hiện công việc, chủ doanh nghiệp sẽ bị xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả.
Nếu chủ doanh nghiệp không biết được bằng lái xe của lái xe là bằng giả, sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng theo luật sư Cường, về dân sự, tài xế ở đây là người của pháp nhân (doanh nghiệp), nên nếu tài xế thực hiện nhiệm vụ được doanh nghiệp giao, doanh nghiệp sẽ phải bồi thường cho bị hại thay cho tài xế. Sau đó, doanh nghiệp có thể yêu cầu tài xế bồi hoàn lại số tiền mà doanh nghiệp đã phải bồi thường.
Trừ trường hợp lái xe tự ý lấy xe của công ty để thực hiện việc cá nhân hoặc một việc nào đó nhưng không nằm trong thỏa thuận giữa doanh nghiệp và tài xế, thì tài xế phải tự chịu trách nhiệm với những thiệt hại do mình gây ra.
“Như vậy, doanh nghiệp vận tải cũng phải rất chặt chẽ khi tuyển dụng, giám sát tài xế, tránh những rắc rối, hậu quả phát sinh”, luật sư Cường khuyến cáo.
Theo ông Vũ Duy Bôn, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương, thời gian qua xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến việc lái xe sử dụng GPLX giả để điều khiển phương tiện. Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, coi thường tính mạng của người đi đường.
“Vụ TNGT tại huyện Ninh Giang là một ví dụ điển hình. TNGT là điều không ai mong muốn nhưng điều khiển phương tiện sử dụng giấy phép lái xe giả là hành vi coi thường tính mạng người khác. Tài xế này đã phải chịu mức án thích đáng nhưng qua vụ việc này các doanh nghiệp khi trao xe cho tài xế cũng cần tìm hiểu kỹ để tránh rước họa vào thân”, ông Bôn nói.
Nhiều tài xế lĩnh án vì dùng bằng giả gây tai nạn
* Ngày 11/5/2021, TAND quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tuyên phạt Trần Bá Trung (22 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) 7 năm tù vì sử dụng GPLX giả gây tai nạn làm 2 người thương vong.
Ngày 26/7/2020, Trung điều khiển xe container chạy trên đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều và tông trúng xe máy do bà Nguyễn Kim L. cầm lái chở theo bà Nguyễn Hồng T. Hậu quả bà L. tử vong tại chỗ, bà T. thương tật 16%. Cảnh sát kết luận các loại giấy tờ Trung giao nộp, trong đó có GPLX đều là giả.
* Ngày 16/12/2020, TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM tuyên phạt Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù, buộc bồi thường 1,8 tỷ đồng cho các bị hại.
Ngày 30/1/2020, Phong sử dụng bằng lái giả, thuê xe Mercedes, sau đó đâm vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường (tài xế GrabBike) đang chở chị Nguyễn Thị Bích Hường, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Vụ tai nạn làm ông Thường tử vong, chị Hường thương tật 79%.
* Ngày 17/5/2019, TAND tỉnh Bình Dương tuyên bị cáo Nguyễn Thái Dương (38 tuổi, quê Hậu Giang) 9 năm tù.
Dương là tài xế điều khiển xe khách 29 chỗ BKS 51B - 176.41, chở khách từ Hậu Giang lên Bình Dương gây tai nạn khiến 2 trẻ em tử vong vào ngày 13/2/2017. Dương chỉ có bằng lái xe hạng B2 (được lái xe dưới 9 chỗ) nhưng đã nhờ người làm giả giấy phép lái xe lên hạng D để đủ điều kiện lái xe khách.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận