Ông Lê Xuân Hiền |
Báo Giao thông trò chuyện với ông Lê Xuân Hiền, Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư xung quanh vấn đề tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.
Giảm các điều kiện cần xác nhận
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 có hiệu lực từ 1/7, mọi người dân được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Như vậy, sẽ không còn những “ông Tấn” khác bị khởi tố vì tội danh tương tự?
Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Theo Luật DN 2014, Điều 7 quy định, DN được tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Tuy nhiên, Điều 8 cũng có yêu cầu, DN phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động.
Cũng theo luật mới, DN vẫn phải ghi ngành, nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký DN và mỗi khi thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh vẫn phải gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, điểm mới là, khi DN thấy có cơ hội, thấy mình đáp ứng được điều kiện thì có thể tiến hành kinh doanh ngay, đồng thời với việc gửi thông báo bổ sung ngành, nghề kinh doanh để cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận mà không phải cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Những người kinh doanh quán cà phê, quán phở như chủ quán Xin chào phải đăng ký kinh doanh, thực hiện thủ tục gì theo luật mới?
Các DN tùy theo loại hình đầu tư kinh doanh, như bán phở hay cà phê, vẫn phải đảm bảo một hoặc một số yêu cầu như: Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, Chứng chỉ hành nghề, Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp…
Tuy nhiên, để giải tỏa nút thắt về các loại giấy mà thường được gọi chung là giấy phép này, quan điểm của chúng tôi là đẩy mạnh việc thực hiện các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận.
Nhà nước công bố công khai các điều kiện cần phải đáp ứng (giống như cắm các biển báo giao thông trên đường), người dân, DN tự “căn” vào đó mà làm ăn cho đàng hoàng, nghiêm túc.
Cũng cần phải nói thêm là các loại giấy chứng nhận cũng không phải là tấm bùa hộ mệnh vô giá gì cả. Có không ít DN “chạy” cho bằng đủ các giấy tờ trên, đóng khung, treo biển đàng hoàng nhưng thực ra thì không chấp hành, tuân thủ nghiêm túc cái đã được cấp ấy.
Quan trọng là phải “đồng” chứ đừng “hành”
Câu chuyện trong vụ việc ông Tấn, chủ quán Xin chào không liên quan tới vấn đề giấy phép mà nằm ở vấn đề hành xử của cơ quan có trách nhiệm. Như vậy, luật mới thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho người dân kinh doanh nhưng cách hành xử “lệch chuẩn” có cách nào giải quyết không?
Trong cơn sửng sốt vì vụ việc (quán Xin chào), đã làm tôi nhớ đến câu chuyện của những người Việt đang làm quán ăn tại Đức. Họ cho biết: Khi mở quán, ngay lập tức các cơ quan quản lý sẽ đến hướng dẫn rất tỉ mỉ quy định nhà bếp, chỗ rửa, nhà kho… Sau khi quán được mở, các cơ quan này tiếp tục đến xem xét và nếu như không đúng quy định họ sẽ hướng dẫn đến 3 lần. Nếu sau 3 lần không có tiến bộ mới nhắc nhở, nếu không cải thiện sẽ phạt, dù Đức là nước nổi tiếng kỷ cương, kỷ luật.
Như vậy, yêu cầu về các điều kiện kinh doanh nơi nào cũng có, khác là cách hành xử của cơ quan công quyền và cách nhìn sự việc thế nào mà thôi. Nếu vụ việc này tại Việt Nam cũng có những vấn đề đặt ra như: Cơ quan Nhà nước đến DN có với mục tiêu chính là hướng dẫn không? Trong khi tâm lý của người Việt Nam là sợ “công an”, thậm chí sợ cán bộ Nhà nước, vì họ đến thường là để thanh, kiểm tra là nhiều mà hướng dẫn, giúp đỡ thì ít?
Theo chúng tôi, nếu là động cơ trong sáng, pháp luật rõ ràng, minh bạch, dù có đến mấy lần nhưng lần nào cũng để hướng dẫn, để đồng hành, để giúp đỡ thực sự chứ không phải để hạch sách, nhũng nhiễu thì cũng là tốt chứ sao.
Tổ Công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật DN có nhiều nỗ lực đưa ra chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Quá trình làm việc, Tổ công tác có vấp phải sự phản đối vì điều đó nhiều khi lại đi ngược với sự chây ỳ, quan liêu cửa quyền đã bám rễ ở một số địa phương, bộ, ngành không?
Nhiệm vụ của Tổ công tác đã được Quyết định của Thủ tướng nêu rất rõ ràng, chi tiết. Mặt khác, tổ này làm việc hoàn toàn khách quan, minh bạch nên khó có thể nói là không có ai làm khó cho tổ này được. Tuy vậy, cái khó là sự phối hợp nhịp nhàng, quyết liệt của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc xử lý công việc nói chung, dẹp bớt các điều kiện bất hợp lý, hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, DN nói riêng.
Để những quy định của Luật Đầu tư, Luật DN mới sớm phát huy tối đa tác dụng, theo ông cần có đột phá vào “điểm huyệt” nào của chính quyền địa phương, các bộ, ngành hiện nay?
"Điểm huyệt" chính là Tổ công tác phải phát hiện ra những bất hợp lý để từ đó yêu cầu đơn vị chủ quản ban hành ra cái bất hợp lý đó tháo gỡ. Như đã nói, điều kiện kinh doanh hiện vô cùng nhiều nên Tổ công tác dù có 3 đầu, 6 tay cũng không thể phát hiện ra được nếu không có sự phối hợp chủ động của các bộ, ngành, nhất là phản ánh trực tiếp từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, hiệp hội DN.
"Từ ngày 1/7, tội kinh doanh trái phép bị bãi bỏ là loại bỏ một nguy cơ lớn đối với doanh nhân. Điều này sẽ có tác động gián tiếp đến các cơ quan chức năng và bộ máy cán bộ, công chức trong việc thay đổi nhận thức về quyền tự do kinh doanh của DN cũng như công dân. Tuy nhiên, hiện các loại giấy phép, điều kiện kinh doanh được ban hành, cài cắm không đúng quy định của pháp luật trong thời gian qua vẫn đang gây ra nhiều khó khăn, cản trở DN. Những điều kiện kinh doanh trái luật và vô lý này khiến các DN rất tốn kém và có nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính. Họ kinh doanh để kiếm tiền cho mình, cho người lao động và cho xã hội nhưng lại bị “hành” bởi các loại giấy phép. Tôi cho rằng, điều kiện kinh doanh nhiều hay ít, chặt hay lỏng không quan trọng bằng việc nó có thật sự cần thiết và có rõ ràng, minh bạch hay không". Luật sư Trương Thanh Đức |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận