Vững vàng sau động đất kinh hoàng
Sau cơn địa chấn sáng 3/4 có cường độ mạnh 7,2 độ richter, giải phóng sức mạnh tương đương 32 quả bom nguyên tử, giới chức Đài Loan cho biết ít nhất 9 người đã thiệt mạng và hơn 1000 người bị thương. Nhiều công trình hạ tầng như các tòa nhà, đường cao tốc, đường ray tàu điện... bị hư hại.
Tuy nhiên nếu so sánh với các trận động đất có cường độ tương tự tại một số khu vực khác trên thế giới, có thể thấy mức độ thiệt hại của Đài Loan sau thảm họa là hết sức khiêm tốn.
Điển hình trận động đất 7 độ richter ở Haiti và Dominica năm 2010 khiến 300.000 người thiệt mạng. Động đất 7,6 độ richter ở Pakistan năm 2005 giết chết gần 90.000 người. Cơn địa chấn 7,8 độ richter ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria năm 2023 cũng khiến hơn 50.000 người thiệt mạng, các thành phố gần tâm chấn gần như trở thành đống đổ nát.
Cảnh rung lắc dữ dội trên tàu điện, cầu đường bộ, nhà cao tầng... khi động đất xảy ra ở Đài Loan vào sáng 3/4. (Nguồn: Taiwan News)
Tại Đài Loan, thiệt hại nặng chủ yếu quanh khu vực tâm chấn vùng Hoa Liên. Ở các thành phố lớn, nhiều tòa nhà, cầu đường bộ, đường cao tốc, đường sắt trên cao... rung lắc dữ dội nhưng vẫn chống chọi qua cơn địa chấn 7,2 độ richter và hàng loạt dư chấn.
Tuy nhiên đến nay, cuộc sống của người dân Đài Loan, bao gồm cả người dân sinh sống tại vùng gần tâm chấn Hoa Liên, đã cơ bản trở lại ổn định bình thường.
Theo các chuyên gia, công tác ứng phó động đất của Đài Loan và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trong công trình xây dựng đã giúp hòn đảo này trụ vững qua thảm họa .
“Công tác chuẩn bị ứng phó động đất của Đài Loan thuộc hàng tiên tiến nhất trên thế giới. Chính quyền và người dân đã thực hiện các quy định tiêu chuẩn xây dựng hết sức nghiêm ngặt, mạng lưới cảnh báo địa chấn hiện đại và các chiến dịch giáo dục cộng đồng về an toàn động đất được triển khai rộng rãi”, chuyên gia địa chấn học Stephen Gao, Đại học Khoa học Công nghệ Missouri (Mỹ) cho biết.
Thực tế, ngay tại vùng gần tâm chấn Hoa Liên, hình ảnh trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy nhiều tòa nhà lớn bị đổ nghiêng, nhưng dường như không bị hư hại nặng nề. Thậm chí cửa sổ, cục nóng điều hòa và các thiết bị khác trên công trình gần như không bị ảnh hưởng.
Theo chuyên gia địa chấn học Christie Rowe, Đại học McGrill (Canada), đây được gọi là sự cố "sập tầng mềm", thường xảy ra trong các trận động đất và gây thiệt hại cho toàn bộ công trình. Theo giới chuyên gia, những công trình này có lẽ được xây dựng từ trước năm 1999 khi chưa có quy định hạn chế thiết kế tầng mềm.
Tòa nhà tầng mềm là loại nhà có nhiều tầng trong đó một hoặc nhiều tầng có thiết kế cửa sổ, cửa ra vào hoặc cửa kính rộng, không gian thương mại lớn nên phần tường thường ít.
Mỗi trận động đất là một bài học
Chuyên gia Canada khẳng định có 3 yếu tố ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại của động đất, bao gồm cường độ địa chấn, nền địa chất nơi xảy ra động đất và cách thức xây dựng các tòa nhà.
Ở Đài Loan, chính quyền từ lâu đã siết chặt các quy định xây dựng nhà cửa, trong đó đã đưa tiêu chí chống động đất vào quy chuẩn xây dựng từ năm 1974. Các quy định về xây dựng liên tục được củng cố và bổ sung, nhất là sau các thảm họa động đất.
Điển hình như cơn địa chấn 921 mạnh 7,7 độ richter năm 1999 khiến gần 2.500 người chết và hơn 100.000 công trình đã bị sụp đổ.
Sau thảm họa trên, chính quyền Đài Loan lập tức bắt tay vào chiến dịch gia cố các công trình tòa nhà, cầu đường... để có thể chống chọi với các đợt địa chấn mạnh hơn, đồng thời siết chặt hơn nữa các quy chuẩn xây dựng, tập trung vào quản lý giám sát chất lượng xây dựng, khả năng chống chịu động đất và các biện pháp gia cố tăng cường cho khung dầm tổng thể công trình.
"Chúng tôi đã nâng cấp cơ sở hạ tầng rất nhiều kể từ thời điểm đó, xây tường dày hơn, bổ sung thêm cột", ông Zheng Rushi, kỹ sư xây dựng của chính quyền khu vực Hoa Liên chia sẻ với báo giới.
Nếu vi phạm tiêu chuẩn xây dựng, mức phạt hết sức nghiêm khắc. Điển hình vào năm 2016, Đài Loan đã khởi tố hình sự 5 người liên quan đến tòa nhà chung cư 17 tầng bị đổ sau trận động đất. Theo cơ quan chức năng, tòa nhà đã xây dựng sai quy định khi thiết kế các hành lang quá rộng, khiến phần đế yếu ớt, dẫn đến tòa nhà bị đổ sập gây ra thương vong.
“Đài Loan có tiêu chuẩn xây dựng hết sức nghiêm ngặt. Vì thế cho dù bị động đất tàn phá, nhưng thiệt hại Đài Loan phải hứng chịu đã giảm hơn so với động đất có cùng cường độ xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới”, ông Rowe cho hay.
Bên cạnh nâng cao triệt để chất lượng công trình xây dựng, Đài Loan đẩy mạnh các cuộc diễn tập ứng phó thảm họa động đất tại các trường học và công sở, nâng cao khả năng cảnh báo sớm thiên tai động đất. Chính quyền cung cấp thông tin cho người dân về động đất và các biện pháp xử trí an toàn trước thảm họa thiên tai qua các kênh truyền thông đại chúng và tin nhắn điện thoại.
Từ đó, hòn đảo này được đánh giá là nền văn hóa có hiểu biết sâu rộng về động đất tới mức đáng kinh ngạc.
“Họ biết phải làm gì, họ biết cách giúp đỡ lẫn nhau. Mọi người đều được chuẩn bị kỹ năng ứng phó với thiên tai ngay cả khi ở nhà hay đang ở trường học, trong các cơ sở hạ tầng quy mô lớn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, tất cả đều phối hợp chặt chẽ”, ông Christie Rowe, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Địa chấn Canada tại Đại học McGill (Canada) nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận