Bài nhiễm chất phóng xạ
Bài tú lơ khơ (Ảnh minh họa) |
4 bộ tú lơ khơ bị cơ quan Công an thu giữ tại quán bán đồ ăn sáng của Bùi Đình Chung (SN 1980, ở tổ 3 khu Minh Hòa, phường Cẩm Bình, Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Qua khai thác, đối tượng này khai nhận, do có người muốn mua bộ bài tú lơ khơ quân có Tang (chứa chất phóng xạ) và các phụ kiện kèm theo dùng để đánh bạc bịp. Ngày 14/8, Chung đã liên lạc với một đối tượng ở Hà Nội để mua 4 bộ bài và các phụ kiện kèm theo với giá 1,7 triệu đồng. Ngày 15/8, Chung nhận được 4 bộ bài trên và mang về cất giữ tại nhà riêng chờ người đặt mua đến lấy thì bị cơ quan Công an bắt giữ.
Kết quả đo an toàn bức xạ của Sở KH&CN Quảng Ninh xác định, 4 bộ bài trên có chứa tia X là chất phóng xạ đều vượt từ 20 – 30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường sống.
Thông tin trên đã khiến không ít người cảm thấy hoang mang bởi bài tú lơ khơ đang được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam.
Có nguy hiểm cho người sử dụng?
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Phạm Hồng Sơn - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN Quảng Ninh - đơn vị đã xét nghiệm bộ bài trên cho biết: "Mức độ nguy hiểm của bộ bài nhiễm phóng xạ phụ thuộc vào loại chất được đưa vào bài. Nếu đó là chất bán rã trong vòng 10-20 ngày thì có gấp 100 lần mà sau khoảng thời gian trên cũng không vấn đề gì. Thế nhưng nếu chất phóng xạ chỉ gấp 2 lần cho phép mà thời gian bán rã là 30 ngày thì vẫn rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, để xác định được điều này cần phải có những máy chuyên dụng, ở các viện chuyên ngành mới có thể phát hiện. Cần xác định định lượng là bao nhiêu, là loại gì, cường độ phát tán là bao nhiêu thì mới có thể chỉ ra mức độ nguy hiểm thực sự".
Ông Sơn cũng lưu ý: "Bằng mắt thường, không thể phát hiện được bộ bài có bị nhiễm phóng xạ hay không, vì vậy sẽ rất khó cho những người sử dụng".
Cũng về vấn đề mức độ an toàn của bộ bài tú lơ khơ bị nhiễm phóng xạ, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Quyết - Phó giám đốc trung tâm An toàn bức xạ thuộc Viện khoa học và kỹ thuật Hạt Nhân cho biết: "Vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe rất khó nói cụ thể bởi trung tâm An toàn bức xạ chưa được giám định bộ bài. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866:2001, mọi hoạt động bức xạ do con người thực hiện không được vượt quá mức 1 mSv/năm. Nếu các hoạt động trên ngưỡng quy định nêu trên thì các hoạt động cần phải được kiểm soát bởi cơ quan chức năng.
Trên thực tế, ảnh hưởng của chất phóng xạ sẽ có rất nhiều hiệu ứng. Nếu hiệu ứng mạnh chúng ta có thể thấy ngay được, nạn nhân sẽ phải chịu ảnh hưởng ngay lập tức đến sức khoẻ. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi mức phóng xạ cao hơn giới hạn hàng trăm, hàng ngàn lần.
Còn với liều xạ ở mức độ thấp, cỡ 20-30 lần thì rất khó nhìn thấy hiệu ứng ngay. Một ví dụ đơn giản như một lần chụp X quang, chúng ta thường phải chịu liều cao hơn cả trăm lần tiêu chuẩn quy định. Nhưng về lâu về dài có thể có hiệu ứng ngẫu nhiên, xảy ra với người này nhưng lại không xảy ra với người khác".
Ngọc Lê
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận