Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều nội dung mới về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và truyền đến toàn Đảng, toàn dân một niềm tin sắt đá, một sự kiên định vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và một tương lai tươi đẹp của đất nước ta trong tương lai.
PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân Việt Nam được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Người còn chỉ ra rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Người cũng đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì”.
Ham muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là khát vọng Việt Nam. Hơn bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược để giành được độc lập.
Khát vọng độc lập dân tộc đã thấm sâu vào con tim, khối óc của mỗi người Việt Nam. Để bảo vệ Tổ quốc, từ trẻ đến già đều không tiếc máu xương, hy sinh thân mình để giành cho được độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bên cạnh khát vọng “độc lập dân tộc”, khát vọng được ấm no, tự do, hạnh phúc đã thường trực đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử. Biết bao máu xương đã đổ xuống vì lý tưởng, khát vọng cao đẹp đó.
Con đường để đạt được ấm no, tự do, hạnh phúc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong bài viết của mình: “Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Điều đặc biệt, bài viết đã nêu bật mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Điểm mới nổi bật ở đây là Tổng Bí thư khẳng định: “Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”.
Như vậy, điều này có thể gợi mở cho nhân dân ta tư duy đúng đắn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nêu “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là làm cho dân được ấm no, tự do và hạnh phúc”. Chính vì lẽ đó, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là cách duy nhất để dân tộc Việt Nam đạt được ấm no, tự do và hạnh phúc và là con đường duy nhất đúng để cả dân tộc Việt Nam phấn đấu vươn lên.
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu khá rõ nét về một xã hội tươi đẹp mà nhân dân ta mong muốn và phấn đấu xây dựng, cụ thể là: “Một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”.
Xã hội mà nhân dân Việt Nam phấn đấu không mệt mỏi xây dựng là xã hội mà ở đó không có người bóc lột người, mọi người vì nhau, vì con người mà hành động, thương yêu tôn trọng lẫn nhau, không bóc lột con người vì lợi nhuận mà dựa vào cách quản lý khoa học, tiên tiến gắn với ứng dụng khoa học công nghệ để đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đây là bản chất tốt đẹp của xã hội mà Đảng ta và nhân dân ta phấn đấu xây dựng.
Con đường đúng đắn đưa dân tộc Việt Nam trở thành giàu mạnh và thịnh vượng
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ, xã hội chúng ta phấn đấu xây dựng là một xã hội luôn quan tâm đến tiến bộ và công bằng xã hội. Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế mà bên cạnh phấn đấu để đạt tăng trưởng kinh tế cao thì luôn luôn quan tâm đến tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát triển, trong từng chính sách và biện pháp.
Đặc biệt, xã hội mà nhân dân Việt Nam phấn đấu xây dựng là xã hội luôn quan tâm đến nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, luôn luôn phấn đấu để người giàu càng giàu hơn và người nghèo bớt nghèo, trở thành khá giả và từng bước trở thành giàu có, làm cho khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng rút ngắn lại và không có bất bình đẳng xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng đã nhấn mạnh cụ thể về một xã hội chúng ta xây dựng là xã hội tốt đẹp mọi mặt, ở đó con người sống với nhau trên tình nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và cùng nhau hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn.
Đó là xã hội không có cạnh tranh bất công, không có tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chính vì lẽ đó, đấu tranh với các biểu hiện lợi ích cá nhân và lợi ích phe nhóm là quyết tâm chính trị cao của Đảng, loại bỏ mọi tệ nạn tham nhũng, tha hóa, lợi ích nhóm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã phác họa cụ thể con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Với những nội hàm cụ thể, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho chúng ta thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn đưa dân tộc Việt Nam trở thành giàu mạnh và thịnh vượng và là con đường để đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, con đường để dân tộc Việt Nam đạt được ấm no, tự do, hạnh phúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định:
“Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” phù hợp với tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011) “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Đẩy mạnh mở cửa, hội nhập để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thành công
Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu bật những sai lầm trong nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nên đã gây ra nhiều khó khăn, kể cả thất bại trong quá trình xây dựng đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ con đường chúng ta đi không hề dễ dàng mà rất khó khăn. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không phải là thời kỳ ngắn và dễ dàng vượt qua mà đây thực sự là thời kỳ đầy gian nan vất vả, cần toàn Đảng, toàn dân phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu không mệt mỏi, kiên định để đạt được mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa xã hội.
Tổng Bí thư đã lần đầu tiên nêu bật nội hàm của việc bỏ qua tư bản chủ nghĩa và chỉ rõ việc chúng ta cần phải làm để đất nước Việt Nam sớm đi đến đích đặt ra: "Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển".
Đây là một tư duy mới, gợi mở cho chúng ta tinh thần đẩy mạnh mở cửa, hội nhập để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thành công của những nước đi trước, những nước phát triển, cũng như kế thừa tinh hoa trí tuệ nhân loại để vận dụng đưa đất nước chúng ta nhanh trở thành giàu mạnh và nhanh đi đến đích là chủ nghĩa xã hội.
PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận