Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Hà Linh |
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 qua đời là nỗi mất mát to lớn với nền âm nhạc Việt Nam và là nỗi buồn với những người yêu quý ông. Sinh thời, Nguyễn Ánh 9 đã có rất nhiều con nuôi là những nghệ sĩ trong làng nhạc. Ông nâng đỡ, dạy bảo và hướng dẫn các nghệ sĩ trên con đường âm nhạc của mình. Một trong số đó là ca sĩ Hà Linh.
Mới đây, Hà Linh đã chia sẻ một dòng trạng thái rất dài trên trang cá nhân về cảm xúc của cô trước sự ra đi của người bố già yêu quý. Báo Giao thông xin giới thiệu với độc giả bài viết của ca sĩ Hà Linh:
"Từ giờ cho đến khi chết, thề sẽ không yêu quý thêm một ai nữa. Câu nói ấy cứ lặp đi lặp lại như một câu thần chú.
Tôi đang ngồi một mình ở cầu thang. Ngày tàn. Căn hầm dần mờ tối. Tôi muốn bật đèn. Nhưng tôi không đứng dậy được. Tin nhắn của Giáng Son "Bố Chín mất rồi, có đi vào viếng bố không?" vẫn cứ ở trạng thái chưa đọc trên màn hình. Vì tôi có dám bấm vào đâu. Tôi cứ ngồi im đấy. Nhìn cái màn hình, thứ duy nhất phát ra ánh sáng vào lúc hoàng hôn vừa tắt nắng, ở nơi tối tăm ẩm thấp này.
Người quen mất, tôi hay mừng cho họ. Vì tôi tin cõi này chỉ là cõi tạm. Nhiều lần đối diện trực tiếp với cái chết, tôi không có cảm giác sợ hãi hoặc bất kì phản ứng cơ thể thông thường nào để tự cứu lấy mình. Tôi vui vẻ thanh thản. Tôi biết, tôi luôn trông chờ ngày kết thúc đến. Tôi có thể nói là không bao giờ tìm cách để chết, nhưng mà cũng chẳng thích sống cho lắm.
Thế mà hôm nay, chính tôi lại hoảng hốt và bần thần đến mức độ này, khi biết tin ông chết.
Ông hiền lành, tình cảm lắm, mang tiếng là bố mà toàn gọi hỏi thăm "con" trước. Hay nhắn tin "Con đang ở đâu?", "Con vui không?". Ông cũng hay bình luận facebook "Bố yêu con", "Con ở đâu, bố sắp ra Hà Nội",... Mà tôi lại thường không trả lời vì lơ đễnh, hay quên. Khốn nạn thật!
Gặp nhau, ông hay bĩu môi, nguýt nguýt, ra vẻ giận ghê lắm, kinh lắm. Tôi vừa ăn cướp vừa la làng: "Con không biết lời ngon tiếng ngọt, nên bố không được giận con. Cấm bố giận con nha!", ông so vai rụt cổ le lưỡi trả lời: "Bố làm sao mà dám giận con!", rồi hai bố con lại cười xoà với nhau. Ông không giận, tôi biết. Có lẽ trên đời này, ông chẳng giận một ai cả. Ông bụt thì làm gì mà biết giận.
Một hôm, đưa cho ông viên An Cung, ông hỏi: "Cái gì đấy?", tôi bảo:"Bố nhớ đem theo người, thuốc chống chết đấy!". Ông nguýt nguýt "Bố còn trẻ khoẻ lắm đó nha!". Tôi nói: "Kệ bố! Biết là bố mới 18 tuổi, khoẻ như trẻ trâu rồi. Nhưng mà ông bà con, bố mẹ con cũng có, thì bố cũng phải có. Bố có cầm không thì bảo?". Ông bĩu bĩu môi, lườm nguýt ghê lắm, lên án: "Con cái gì mà toàn ăn hiếp bố!". Nhưng mà mắt ông rơm rớm.
Tôi nhớ lần đầu gặp ông, là ở khách sạn Sofitel, nơi ông chơi piano 3,4 buổi chiều/tuần. Ông chơi đàn để kiếm tiền nuôi cháu. Mà cũng vì ông không rời xa cây đàn một ngày nào được cả. Người nghệ sĩ già bé nhỏ, chiều chiều "hành nghề" vì yêu đàn, cũng vì mưu sinh, bên cây đàn cánh dơi bóng loáng, trong một cái sảnh khách sạn 5 sao cũng bóng loáng, bên trên là dàn đèn chùm to lớn, sáng trưng, gần bên cạnh tai là một cái thang máy có loa phát nhạc tự động. Một loại nhạc không hề liên quan.
Tiếng dưong cầm lọt thỏm trong tiếng khua giày cao gót lạch cạch, tiếng hợp chủng quốc đặt phòng, tiếng kéo vali rin rít, tiếng trẻ con hư nhà nào đang khóc, cứ tồi tội! Nhưng những nốt nhạc vang lên dưới những ngón tay không hề dài đẹp, không chuẩn nghệ sĩ dương cầm của ông thì lại đẹp đến thánh thiện và kiêu hãnh. Làm cho mọi xa hoa hào nhoáng hoặc ồn ã hỗn tạp xung quanh đều trở thành vô nghĩa.
Yêu nghề, theo nghề, kiên trì với nghề và làm được nghề đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời, đối với nghệ sĩ, nhất là ở Việt Nam, là một niềm kiêu hãnh. Mặc dù hiện thực thường không được đẹp như ước mơ. Tài năng, tên tuổi lớn đến đâu cũng vậy thôi. Nhà hát lớn đâu thể sáng đèn mỗi đêm. Mà trong những đêm có chất lượng ít ỏi như đức tin thời mạt pháp này, có được bao nhiêu đêm vang lên bài hát hay tiếng dương cầm của Nguyễn Ánh 9?
Cho nên nghệ sĩ ở Việt Nam thường nghèo. Mà Nguyễn Ánh 9 thì mới hay đùa vui, rằng mình là "công nhân âm nhạc". Nhưng chẳng hiểu sao, Steinway & Sons, Yamaha, piano cơ rẻ tiền hỏng phím hay đến cả đàn organ điện tử lỗi thời, dưới tay ông vẫn phát ra những âm thanh đẹp đẽ gần như nhau. Tiếng đàn lạc loài, như tiếng ngọc rơi.
Tôi biết và tin rằng ông yêu công việc mình làm, và luôn làm nó tốt nhất có thể, dù nơi biểu diễn là nhà hát lớn tráng lệ hay phòng trà nhỏ xíu vắng khách, dù là đêm nhạc tên ông hay tên người khác, dù là khán phòng với những tiếng ho còn phải cố nín hay một sảnh khách sạn đầy rẫy tạp âm.
Ông hay vừa chơi đàn, vừa ngó nghiêng xuống dưới sảnh khách sạn. Lúc nào ông cũng "hóng hớt" thế, vui vẻ lắm. Có lần, tôi gặp chuyện buồn và đến tìm ông. Vừa đặt chân vào sảnh, những nốt nhạc thánh thót của bài "Cô đơn" vang lên. Cho tôi. Tôi muốn khóc. Thực sự rất muốn khóc. Hết bài, ông đi xuống. Comple, cà vạt, bước trên cầu thang lớn cẩm thạch trắng, thảm nhung đỏ, lịch lãm như một "quý ông". Nhưng đầu tóc thì bạc phơ, thân hình thì bé nhỏ, còm cõi. Ôm lấy đứa "con nuôi" to đùng, vỗ vỗ đầu. "Bố biết hết rồi. Con đừng buồn!". Tôi thấy tôi bé nhỏ, khóc lớn.
Lại một lần khác, tôi cũng lại đang buồn lắm. Buồn đến mức tối đó diễn cho ông, hát "Cô đơn", tôi lại khóc. Ông lại vỗ vỗ đầu tôi trên sân khấu, nói thầm: "Con không cô đơn đâu, con còn có bố và bạn bè mà!".
Ông Chín là thế. Gầy còm mong manh như thế, mà lòng trắc ẩn lại lớn thế. Tình cảm như thế, quan tâm như thế. Ông đi, tôi mừng cho ông vì đã thoát khỏi cái cõi tạm toàn khổ ải này. Chắc giờ này ông đang ngồi uống cafe, hút thuốc với Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy, Thanh Tùng,... "âm mưu" mở đại nhạc hội dưới đó. Chắc chắn là chất lượng lắm, hay lắm. Mà kiểu gì cũng phải có "Cô đơn", và phải là bố đệm dương cầm cơ, bố nhé!
Tôi biết, tôi không buồn cho ông. Tôi buồn, có lẽ là vì hối hận thôi. Hối hận vì những tin nhắn quên không trả lời, hối hận vì lời bao biện "Yêu thương để ở trong lòng, cần gì lời ngon tiếng ngọt", hối hận vì những dự định định làm cho ông, tôi chưa làm được một chút nào. Vì lười biếng, vì nghĩ ông vẫn luôn ở đấy và sẽ chẳng đi đâu cả. Vì nghĩ mình đùa được với thời gian. Ừ, không buồn, chỉ là hối hận thôi.
Và tôi hứa, đời này sẽ không yêu quý thêm một ai. Vì yêu mà ích kỉ, lười biếng, ngụy biện, đến cái tin nhắn cũng quên không trả lời thì không nên yêu nữa. Không xứng đáng, không có tư cách nói yêu thương. Thôi bố Chín ạ, con không yêu bố đâu. Bố đi vui nhé, con chào bố! Hẹn ngày gặp lại".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận