Sau những ngày trên công trường, anh em công nhân lại tham gia liên hoan văn nghệ |
Giữ đường thông suốt, chuyển quân an toàn
Tình hình ngày ấy rất khẩn trương, chúng tôi chỉ được đưa lên công trường lao động phổ thông với cuốc chim, xà beng, xe cải tiến... cộng thêm sự trợ giúp của những chiếc máy ủi C.100 từ thời “Sta-lin” viện trợ lên đường. Mệnh lệnh Bộ GTVT giao ngày ấy là giữ đường thông suốt đảm bảo cho quân đội chuyển quân an toàn lên biên giới.
Ngày mở đường, đêm tuần tra canh gác đề phòng thám báo địch tập kích, khí thế lao động khẩn trương theo tác phong thời chiến. Gian khổ khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng hàng trăm cán bộ, công nhân vẫn hiên ngang bám trụ mặt đường, bám sát “cổng trời” Pha Đin cửa ngõ Tây Bắc để nâng cấp cải tạo đường N.379.
Nhớ ngày chúng tôi mới lên, đường chẳng ra đường, rất hẹp và nguy hiểm. Đoạn qua đèo Pha Đin chỉ 16 km phía Sơn La nhưng ô tô sa lầy liên tục, nửa ngày đường xe qua đèo phải dùng máy ủi kéo mới qua được. Có đoạn như đèo Lũng Lô, xe chạy qua như đi trong đường hầm vì rừng giang, rừng nứa đan kín, đi bộ còn sợ hổ vồ. Cán bộ và lái xe đi công tác đều được trang bị súng để sẵn sàng đánh thám báo và thú dữ.
Tôi nhớ, khi thi công đoạn sông Pe (Bắc Yên) đi Tạ Khoa, đường chênh vênh bên vách núi đá, phải nổ mìn mở gần như mới. Nhiều chỗ đường sạt chỉ còn 2/3 thân xe. Mùa mưa, nhiều đoạn vắt bám dày đặc. Vậy mà Bà Mai “C. Phó” đội công trình cùng anh chị em công nhân vẫn thay nhau làm ba ca liên tục. Chỉ trong một tháng chúng tôi đã cải tạo dốc Bùn thành con đường nhựa, phẳng, êm ả. Sau này mọi người đi qua đây đều gọi là dốc “Bà Mai”.
Nam giới khổ một, chị em vất vả mười
Thời đó cơm ăn độn toàn sắn sấy cả củ, may lắm mới có tháng được ăn độn ngô. Có tháng, đích thân ông Chủ tịch huyện Bắc Yên, Lù A Tòng phải đứng ra can thiệp với phòng thương nghiệp huyện phân phối gạo cho các cơ quan, trong đó ưu tiên nữ CNVC và các cháu nhỏ.
Ngày nghỉ, công nhân muốn ra huyện lỵ Bắc Yên, Phù Yên, Thuận Châu, Tuần Giáo... phải đi bộ một ngày đường cật lực. Nếu muốn mua kim chỉ, xà phòng 72 Liên Xô giá cao ở chợ Đồng Xuân phải gửi mấy anh cán bộ đi họp Hà Nội.
Khi đóng quân ở chân đèo Pha Đin hiếm nước, công trường dùng xe téc chở nước hồ ở thị trấn Thuận Châu về cấp cho các đơn vị, phục vụ ăn uống và sinh hoạt cho cán bộ công nhân. Tôi nhớ cố nhà báo Trường Giang (Báo Giao thông) ngày ấy lên công trường đã viết: “Chưa đi chưa biết Sơn La; Đến nơi mới thấy quả là khó khăn; Nước hồ vừa “tắm” vừa ” ăn..”.
Mười hai năm bám trụ các tuyến đường Tây Bắc để lại trong tôi biết bao kỷ niệm. Đó là sự quan tâm động viên lớn lao của các “bố”, các “mế”, của bà con Tây Bắc. Tôi nhớ mãi cảnh bà con các bản ở chân đèo Pha Đin, bản Hang Trùng, Mộc Châu gánh gạo, gánh bí đỏ, rau xanh ra tặng công nhân làm đường, mừng bản làng có đường nhựa mới. |
Rồi chuyện tuyển quân, quản lý quân còn gian nan hơn nữa. Vì gian khổ quá, có đơn vị (như C5 ở đèo Bắc Yên - NV) một đêm có tới 30 người bỏ trốn.
Sau hai tháng, đơn vị có 120 người trốn về sạch, còn lại mỗi “bộ khung” lãnh đạo. Ngày ấy, cán bộ trung cấp, kỹ sư lên N.379 quý như “mì chính cánh”. Nhận nhiệm vụ xong có trường hợp còn đươc ưu đãi nâng thêm bậc lương.
Sau này, khi chiến tranh biên giới bớt căng thẳng, công ty chuyển dần sang làm kinh tế. Tôi càng xúc động khi chứng kiến bà con ở lòng hồ sông Đà chuyển nhà lên núi để tiếp tục mở đường N.379 mới vì công trình thủy điện sông Đà và dòng điện ngày mai. Tiền Nhà nước đền bù đâu sánh được sự hy sinh nhà cửa, ruộng vườn với tình yêu Tổ quốc và tấm lòng của bà con các dân tộc Tây Bắc.
Ở Tây Bắc ngày ấy, nam giới vất vả một thì chị em phụ nữ vất vả mười. Thời điểm năm 1990, công trường N.379 phải thành lập một đơn vị sản xuất đá có tới hàng trăm chị em, trong đó 90% là lao động nữ không có chồng. Đa số các chị tuổi đã lớn, khát khao có đứa con nương tựa tuổi già, được ru tiếng à ơi.
Trên các cung đường Tây Bắc, nhiều đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống do bệnh sốt rét, do tai nạn lao động. Chiến tranh biên giới đã lùi xa, chúng tôi luôn nhớ về họ, tự hào với những năm tháng cùng đồng đội sát cánh cùng quân dân cả nước chiến đấu và chiến thắng kẻ thù bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.
Đoàn Văn Bửu
(Nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận