Liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn mà Thanh tra TP.Hà Nội vừa công bố, ngày 27/3, trao đổi với Báo Giao thông, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, huyện sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế tất cả các vi phạm đã được nêu trong kết luận thanh tra.
“Vừa qua, tại phiên giải trình do Thường trực HĐND TP tổ chức, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã nhấn mạnh tinh thần xử lý dứt điểm theo kết luận thanh tra. Đồng thời, thành phố đã giao cho huyện Sóc Sơn, các sở ngành và 9 xã liên quan khẩn trương thực hiện”, ông Phương thông tin.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại huyện Sóc Sơn chưa nhận được văn bản đóng dấu đỏ về thông báo kết luận của thanh tra. “Huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố. Vì theo quy trình, sau khi có kết luận thanh tra, thành phố sẽ ra văn bản chỉ đạo, hướng dẫn làm cụ thể, trong thời gian bao lâu. Khi có văn bản cụ thể, huyện sẽ xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các sai phạm, tồn tại”, ông Phương khẳng định.
Trước đó, ngày 21/3, UBND TP Hà Nội đã ra thông báo kết luận thanh tra đất rừng tại hai xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 đến nay và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó.
Theo kết luận, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các kết luận của thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng.
Cụ thể, 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu từ 2008 không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới. Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.
Hầu hết, các trường hợp chuyển nhượng, người bán đất không có giấy tờ sử dụng đất nhưng vẫn được UBND xã chứng thực, xác nhận vào hợp đồng chuyển nhượng, dẫn đến người nhận chuyển nhượng đất xây dựng nhiều công trình lớn trong quy hoạch rừng.
Từ kết luận nêu trên, thanh tra thành phố kiến nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm tập thể và cá nhân liên quan; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến xây dựng công trình vi phạm quy hoạch rừng năm 2008.
Việc thanh tra tại 2 xã Minh Trí, Minh Phú, huyện Sóc Sơn được Hà Nội tiến hành vào giữa tháng 10/2018. Một tháng sau, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn (không chỉ tại 2 xã nói trên).
Trước đó, vào năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ, tại Sóc Sơn có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ. Trong số này, gần 80 nhà kiên cố, nhà sàn mọc lên; 26 trường hợp xây dựng theo mô hình trang trại, xưởng sản xuất.
Bảy năm sau (năm 2013), kết luận thanh tra của Sở TN&MT Hà Nội cũng nêu nhiều vi phạm, trong đó có công trình của gia đình ca sĩ Mỹ Linh.
Với công trình Việt phủ Thành Chương, từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ cho rằng chủ nhân đã "xây dựng các công trình kiên cố khác nhau trên khu đất có nguồn gốc là đất rừng đặc dụng".
Tuy nhiên, đến lần này, công trình Việt phủ Thành Chương không hề được nhắc tới trong kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận