Thời sự

Bấm nút về đặc khu phải chịu trách nhiệm tương lai

24/05/2018, 07:08

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng bấm nút về đặc khu "phải chịu trách nhiệm với tương lai".

1

Cảng hàng không Vân Đồn đang được gấp rút xây dựng, hoàn thiện, trở thành điểm nhấn giao thông quan trọng cho đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh (chụp đầu tháng 5/2018) - Ảnh: Hữu Tuấn

Ưu đãi về thuế chưa hẳn hấp dẫn

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. 

Mở đầu phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, đây là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới mang tính thử nghiệm, đột phá khác với pháp luật hiện hành.

Phân tích những điểm mới đã được bổ sung chỉnh lý trong lần trình này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng giảm bớt mức ưu đãi, thời hạn ưu đãi thuế đối với một số đối tượng, dự án đầu tư tại đặc khu, song vẫn bảo đảm sự ưu đãi vượt trội về tổng thể. Ngoài ra Dự án cũng điều chỉnh lại mô hình tổ chức chính quyền đặc khu, vấn đề nhân sự chủ chốt, chính sách an sinh xã hội…

"Tôi đề nghị khi lấy biểu quyết, nên có một biểu quyết riêng về nội dung này. Tôi rất mong Quốc hội nên có hình thức minh bạch ý kiến của ĐBQH. Chứ bấm nút chúng ta chỉ có con số chung chung thôi. Vì chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai”.

ĐBQH Dương Trung Quốc

Ghi nhận nỗ lực cố gắng của ban soạn thảo, nhưng khi đi vào chi tiết, hầu hết các đại biểu đều kiến nghị nên xem xét lại những chính sách ưu đãi dành cho đặc khu.

Cụ thể, liên quan tới hoạt động của các cơ quan tư pháp của đặc khu, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) kể lại chuyến công tác cùng Bộ KH&ĐT để tìm hiểu kinh nghiệm một số nước phát triển đặc khu: “Khi đến Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, nơi quốc tế đánh giá phát triển thành công mô hình đặc khu, đoàn công tác đã đặt câu hỏi điều gì tạo nên sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư tại đây? Chúng tôi nhận được câu trả lời rằng, ban đầu đó là những ưu đãi về kinh tế, nhưng về lâu dài đó phải là ổn định về chính sách và một hệ thống cơ quan tư pháp mạnh, có đủ thẩm quyền và đủ năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh. Chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự từ các nhà đầu tư tại Trung Quốc”.

Tương tự, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, nhiều nghiên cứu khác cho thấy, thuế không phải vấn đề tiên quyết mà 85% nhà đầu tư vào Việt Nam quan tâm. Qua đây, bà Mai đề xuất bỏ quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với các dịch vụ casino, trò chơi có thưởng, kinh doanh đặt cược…

2

ĐBQH Dương Trung Quốc

Tranh luận cho thuê đất tới 99 năm

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), TP.HCM xem như đã có thể đi nhanh được một mình nhưng để đi xa và đi đến thành công chung của nền kinh tế đất nước thì “hãy để Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được đi cùng nhau”. Tuy nhiên, ngay sau đó, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lập tức tranh luận lại: “Tôi nghĩ 3 đặc khu phải là 3 đầu tàu chứ không phải là 3 toa tàu. Không phải là 3 toa tàu để cho TP.HCM kéo”.

Tranh luận với ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) khi cho rằng thời hạn sở hữu đất đặc khu 99 năm để “đảm bảo tính vượt trội và đột phá”, ĐB Quốc nói: “Chúng ta là những người đương đại, liệu có thể đại diện cho thế hệ chúng ta 100 năm nữa không? Chúng ta đang thử nghiệm. Thử nghiệm có thể có thành công và thất bại. Không thể phiêu lưu được…”. Nhắc tới yếu tố địa chính trị của các đặc khu, nhà sử học nhận định: “Thời hạn 99 năm cần hết sức thận trọng, nếu không nó sẽ trở thành nơi di dân mà thôi...

Tương tự, nhiều đại biểu cũng kiến nghị xem xét lại quy định thời hạn sử dụng đất 99 năm đối với dự án đầu tư trong trường hợp đặc biệt và cần xác định rõ thế nào là trường hợp đặc biệt. Thậm chí đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) còn đề nghị bỏ quy định này. “Không có vòng đời nào, dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất. Theo tôi, thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, trong phần giải trình của mình, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vẫn đề nghị giữ nguyên quy định thời hạn 99 năm sử dụng đất đặc khu cho dự án đặc biệt. Theo ông Dũng, việc phát triển ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã thể hiện rõ sự nhất quán, quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc xây dựng một sân chơi mới với luật lệ mới, thể chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chủ động tạo ra một sân chơi quốc tế ngay trên lãnh thổ của mình.

Dự án xây dựng bộ luật mô hình kinh tế đặc biệt được xây dựng trên cơ sở không trái với luật pháp, không ảnh hưởng đến an ninh - quốc phòng, chủ quyền quốc gia, môi trường, sức khỏe người dân cũng như những giá trị truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Ông Dũng cho rằng, luật đặc khu cần phải được ban hành sớm để triển khai. “Chúng ta không quá cầu toàn song cần thận trọng trong tổ chức thực hiện. Các nước cũng vừa làm vừa sửa đổi, ví như Hàn Quốc trong 10 năm thi hành Luật Đặc khu đã phải sửa đổi tới 6 lần, Nhật Bản trong 3 năm cũng đã sửa 2 lần”, ông Dũng nói.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế:
Ngân sách chỉ đóng vai trò vốn mồi

Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong đều là những vị trí đắc địa để phát triển đặc khu. Song đây mới chỉ là điều kiện tối thiểu, yếu tố quyết định chính là cơ chế chính sách và đội ngũ nhân lực vận hành đặc khu.

Đặc khu cũng cần cơ chế lựa chọn, sàng lọc những nhà đầu tư chiến lược có trình độ khoa học công nghệ, tiềm lực kinh tế… Có như vậy mới xứng đáng là vị trí đầu tàu, tạo ra sự kích thích lan tỏa phát triển kinh tế chung của cả nước. Tuy nhiên, để đón được đại bàng cần phải xây được tổ đẹp, tổ xấu chỉ có chim sâu, chim sẻ về ở. Từ kinh nghiệm thực tế Quảng Ninh đang triển khai, ngân sách Nhà nước chỉ được dùng như vốn mồi tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, thậm chí nếu DN có khả năng đầu tư vào lĩnh vực này cũng rất hoan nghênh.

Trên thế giới có rất nhiều đặc khu, có mô hình thành công song cũng không ít mô hình thất bại. Ngay cả trong những mô hình thành công cũng còn những hạn chế, bất cập. Chính vì thế, tuy là người đi sau nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi về học hỏi kinh nghiệm, xử lý thách thức khi vận hành đặc khu. Điều quan trọng là có đủ quyết tâm cải cách tư duy, bố trí nguồn lực hay không mà thôi. Suy cho cùng đủ cơ chế chính sách, môi trường đầu tư thuận lợi song nếu người quản lý vẫn theo lối tư duy cũ thì dù có tổ đẹp tới mấy thì đại bàng cũng sẽ e dè lựa chọn.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM):
Chúng ta đang đánh cược

“Một số chuyên gia gọi đây là sự đặt cược lớn. Người ta chứng minh rằng tỷ lệ thành công của các đặc khu trên thế giới không cao, bởi thành công còn phụ thuộc vào năng lực quản lý rất lớn, vào xử lý các mối quan hệ với các thế lực tài chính, các nhóm lợi ích. Xử lý các mối quan hệ này rất phức tạp, làm méo mó đi các chủ trương đúng đắn ban đầu, cuối cùng có thể trở thành thất bại.

Mức đầu tư của 3 đặc khu này cực lớn, hơn 1,5 triệu tỷ đồng, liên quan tới cả trăm nghìn dân ở các vùng miền; liên quan đến rừng vàng, biển bạc, đến các di sản thiên nhiên của đất nước… liệu chúng ta đã tính hết chưa? Xin thưa đã có những quốc gia phải trả giá cho hoạt động này, nhiều nước đang sử dụng quyền lực mềm. Có nước không trả được nợ phải cược cảng tới 99 năm”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.