Vận tải

Bamboo Airways sẽ khảo sát lại đường bay từ Cà Mau đi Hà Nội, TP.HCM

26/03/2021, 16:25

Theo kế hoạch, quý 2/2021 Bamboo Airways sẽ khảo sát lại đường bay từ Cà Mau - Hà Nội và Cà Mau - TP.HCM.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho biết, tỉnh Cà Mau ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch. Ảnh: Gia Minh

Sáng 26/3, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị “Xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau 2021”, đặc biệt là tọa đàm “Giải pháp kết nối, kích cầu thúc đẩy du lịch Cà Mau”.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến của các chuyên gia, công ty lữ hành, các Sở, ngành trong tỉnh và các địa phương về việc phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng của tỉnh Cà Mau.

Quy hoạch chi tiết cho các điểm tham quan du lịch; cơ chế, chính sách để tạo cơ hội cho người dân được cung cấp được hàng hóa, dịch vụ du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành tiêu thụ sản phẩm do người dân địa phương làm ra;…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho rằng, hội nghị sẽ là cơ hội để du lịch Cà Mau thu nhận nhiều những ý kiến quan trọng của các chuyên gia trong quản lý, kinh doanh du lịch để đổi mới, sáng tạo, tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch bền vững.

Trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 744/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030.

img

Quang cảnh hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Cà Mau năm 2021.

Theo đó, sẽ tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh hạ; phát triển du lịch Cụm đảo Hòn Khoai; Hòn Đá Bạc, Bãi Khai Long,…

“Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch, đặc biệt tại các địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho ngành du lịch vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung của khu vực và cả nước;…”, ông Quân nhấn mạnh.

Đồng thời, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí… mang tính động lực để thúc đẩy phát triển du lịch.

"Tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục thu hút đầu tư, hỗ trợ thuê đất ổn định lâu dài đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh.

Các dự án phát triển sản phẩm du lịch thân thiện môi trường, đặc biệt tại khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ", ông Quân chia sẻ thêm.

img

Bà Lê Thị Nga, Phó Giám đốc kinh doanh khu vực phía Nam Bamboo Airways.

Giao thông thúc đẩy phát triển du lịch

Chia sẻ về vấn đề “Giao thông hàng không trong phát triển du lịch tỉnh Cà Mau”, bà Lê Thị Nga, Phó Giám đốc kinh doanh khu vực phía Nam Bamboo Airways cho rằng, hiện nay, Bamboo Airways đã có đường bay từ Hà Nội tới Cần Thơ (2 chuyến/ngày), các đơn vị lữ hành có thể kết hợp với sản phẩm của mình để đưa khách du lịch ở khu vực Nam Trung Bộ để có thể đi đến Cà Mau.

“Mặc dù, Bamboo Airways rất muốn khai thác ngay đường bay tại thời điểm này để đón lượng khách đến Cà Mau vào mùa hè năm 2021, nhưng với hạ tầng sân bay hiện tại chưa thể khai thác ngay lập tức được”, bà Nga bày tỏ mong muốn.

Cũng theo bà Nga, Bamboo Airways đã có kế hoạch trong quý 2/2021 sẽ khảo sát lại đường bay từ Cà Mau - Hà Nội và Cà Mau - TP.HCM để kết hợp giữa Cột mốc số “Km 0” của Hà Nội và Cột mốc Đất Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cũng như TP.HCM.

“Với kế hoạch này, Bamboo Airways sẽ đưa dòng máy bay phản lực, như vậy yếu tố an toàn bay cũng là ưu tiên hàng đầu, với tải trọng tương ứng công suất trên một máy bay là 82 ghế ngồi.”, bà Nga chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways rất mong có được sự góp ý của những chuyên gia du lịch để có thể đưa ra con số dự báo rằng với nhu cầu vận chuyển hàng không như vậy, Bamboo Airways nên khai thác ở khung giờ nào để có thể kết hợp với sản phẩm du lịch và khai thác với tần suất bao nhiêu để thuận lợi cho việc kết hợp sản phẩm du lịch.

Bamboo Airways cũng hy vọng, điểm đến Cà Mau có thể kết hợp với các điểm đến khác, ví dụ như hành trình mở Hà Nội - Phú Quốc - Cà Mau - Hà Nội hoặc Hà Nội - Côn Đảo - Cà Mau - Hà Nội,…giúp du khách có nhiều trải nghiệm phong phú hơn với các sản phẩm du lịch.

img

Cảng hàng không Cà Mau chỉ tiếp nhận các chặng bay đi, đến Cà Mau bằng tàu bay ATR-72.

Nói về thực trạng và giải pháp “Phát triển Du lịch cộng đồng Cà Mau”, bà Tạ Thị Tú Uyên, đại diện Công ty du lịch và giao thông vận tải Việt Nam Vietravel mong muốn, Cà Mau cần đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông dẫn đến các khu, cụm, điểm du lịch mang đậm dấu ấn của tỉnh.

Bên cạnh đó, nâng cấp các phương tiện về giao thông đường thủy, kể cả các cầu cảng để đảm bảo an toàn cho du khách, để khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế Cà Mau sẽ đón thêm nhiều khách du lịch không chỉ trong nước mà còn nước ngoài đến với tỉnh.

“Người dân địa phương cũng là một “sản phẩm du lịch”, chính họ nói về sản phẩm của họ thì không ai bằng cả. Chính sự chân tình, hiếu khách của người Cà Mau cũng là “một sản phẩm du lịch. Và loại hình du lịch cộng động ở đây là du khách tiếp cận đời sống của dân”, bà Uyên chia sẻ thêm.

Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 3C gồm 1 nhà ga hành khách công suất 200.000 khách, 2 vị trí đỗ vận hành theo phương thức tự lăn, đáp ứng tàu bay ATR-72 và tương đương, một đường cất hạ cánh kích thước 1.500m x 30m.

Hiện tại, Cảng hàng không Cà Mau chỉ tiếp nhận các chặng bay đi, đến Cà Mau bằng tàu bay ATR-72 (68 ghế) với tần suất mỗi ngày chỉ 1 chuyến bay đến và đi, từ Cà Mau - TP.HCM và ngược lại.

Công ty bay dịch vụ Hàng không Việt Nam (Công ty con của Vietnam Airlines) đang khai thác đường bay Cà Mau - TP.HCM trung bình mỗi năm khoảng 710 chuyến và 35,6 nghìn lượt khách trong giai đoạn 2017 - 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.